Và như thế, công dân có quốc tịch Việt Nam, đang sinh sống và làm việc ở đất nước Việt Nam, muốn có tiền mua tấm hộ chiếu vàng của nước Cộng hoà Cyprus sẽ phải làm việc và dành toàn bộ số tiền kiếm được, nhịn ăn nhịn mặc, thậm chí nhịn cả tiểu tiện... trong suốt 963 năm.
Nghĩa là, để có thể mua được một tấm hộ chiếu vàng như người đại biểu đại diện cho dân trong Quốc hội Việt Nam - ông Phạm Phú Quốc - dân Việt phải mất ít nhất 14 đời người.
Dễ hiểu hơn, số tiền mua tấm hộ chiếu vàng ấy tương đương toàn bộ thu nhập của 963 người Việt trong một năm.
Phạm Phú Quốc, đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn TP.HCM, người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của dân, vừa được nêu tên trên một hãng thông tấn nước ngoài với vai trò là khách hàng mua quốc tịch quốc đảo Cyprus.
Ông Quốc là đảng viên được giao nhiệm vụ quản lý tại một số doanh nghiệp nhà nước, xét về bản chất là cán bộ nhà nước chứ không phải doanh nhân.
Tiền bạc, tài sản tại các doanh nghiệp mà ông đứng đầu, dù là trăm tỉ hay ngàn tỉ, tất cả đều là nguồn lực quốc gia, là tiền của dân, là mồ hôi, là xương máu của nhân dân.
Vậy thì, cán bộ nhà nước, sống bằng mồ hôi nước mắt của dân, lấy đâu ra 60-70 tỉ đồng vung tay mua thêm quốc tịch?
Giữa năm 2018, vợ chồng ông Phạm Phú Quốc bắt đầu nộp hồ sơ mua tấm hộ chiếu vàng.
Cũng vào quãng giữa cái năm 2018 ấy, tại Gia Lai, một công dân Việt Nam mới 29 tuổi đã lựa chọn kết thúc cuộc đời mình bằng một sợi dây treo cổ. Và, kết quả là cái chết. Thứ còn lại khi lìa đời của công dân ấy là một thư tuyệt mệnh, ở đó là cuộc sống cơ cực, bần hàn, không lối thoát.
Những ngày cuối tháng 8-2020 này, khi đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc được công bố đã sắm thêm cho mình tấm hộ chiếu vàng Cyprus, thì tại Đắk Lắk, trong một khu trọ nghèo, hai công dân Việt Nam là vợ là chồng của nhau đã lựa chọn lối thoát cho đời mình bằng hai sợi dây - hai sợi dây treo cổ.
Họ đã kết thúc cuộc đời trong căn phòng trọ quạnh hiu, giữa bệnh tật, đói nghèo và bế tắc.
Sống ở đất nước này, có bao nhiêu người đang phải giật gấu vá vai, lo ăn từng bữa, thiếu thốn, khốn cùng?
Có biết bao người đang bị cái đói, cái nghèo bủa vây, trói chặt?
Có biết bao người sống một đời khổ đau và mỏi mệt, sống không ngày mai, không hi vọng, không tương lai?
Khát khao một cuộc sống nhẹ nhàng hơn, tốt đẹp hơn là chính đáng. Đi tìm một lối thoát cho hiện thực bế tắc cũng là chính đáng.
Chỉ có điều, ở một đất nước như Việt Nam, quan mà giàu thì dân sẽ nghèo, nhà quan mà thừa mứa thì nhà dân sẽ bần hàn.
Thế cho nên, khi đại biểu Quốc hội tìm tương lai cho mình bằng cách bỏ ra vài triệu USD mua quốc tịch một quốc gia châu Âu, thì có những người dân cũng đến châu Âu bằng con đường thùng nhân, để rồi mất mạng bên trong chiếc container đông lạnh trên con đường tìm kiếm một tương lai.
Và, có những người ở lại, tìm tương lai mãi tận kiếp sau bằng sợi dây treo cổ.
Bi kịch xã hội ấy là của chúng ta.
Bạch Hoàn