Bà Hoàng Thị Tề, 93 tuổi, người mẹ có con hi sinh ở mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang) cả đời chỉ có một ước mơ: được đến viếng mộ con.
Bà Hoàng Thị Tề lần đầu tiên đến viếng mộ con trai hôm 26-7 vừa qua - Ảnh: NGUYỄN DUY TUẤN
Sau 35 năm kể từ ngày con trai hi sinh, ngày 26-7 vừa qua, bà Hoàng Thị Tề, ở thôn Đồng Nhật, xã Bằng Cốc, huyện Hàm Yên, Tuyên Quang mới được đến nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên (Hà Giang) viếng mộ con.
Hình ảnh bà cụ tóc bạc phơ, lưng còng, chống gậy run rẩy bên mộ liệt sĩ khiến nhiều người không cầm được nước mắt.
Hình ảnh bà Tề ngay sau đó được chia sẻ chóng mặt trên mạng xã hội với những bình luận xúc động, biết ơn những liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Onine, ông Trần Đức Mạn, con trai bà Tề, cho hay gia đình ông năm nào cũng đến viếng nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên và thăm nom phần mộ của liệt sĩ Trần Văn Hanh. Nhưng không dám cho mẹ ông đi theo vì sợ bà quá xúc động.
Mẹ liệt sĩ nói "toại nguyện rồi" sau khi đến viếng mộ con trai - Ảnh: VŨ TUẤN
Nhà bà Tề cách nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên gần 120km. Quãng đường không quá xa nhưng lại là mong mỏi cả cuộc đời của người mẹ liệt sĩ.
Bà Tề năm nay đã 93 tuổi, lưng đã còng, tai đã nặng, đi lại phải chống gậy, con cháu thương bà nhưng lo vì quãng đường hơn 100km khiến sức khỏe bà suy kiệt.
Bà thương con, nhưng chịu đựng, ít nói. Ngày giỗ hay ngày tri ân thương binh liệt sĩ 27-7, bà thường không ngủ, một mình ngồi ăn trầu ở hiên nhà sàn. Các con dậy khuyên bà đi ngủ thì thấy bà lau nước mắt, gia đình biết bà nhớ con nhưng không nói ra.
Đầu tháng 7 năm nay, bà Tề nói với con cháu muốn được đi viếng mộ con trai một lần. "Mẹ tôi sợ đến khi nằm xuống mãi mãi không được tới thăm con", ông Mạn kể.
Bà Hoàng Thị Tề lần đầu tiên được viếng mộ con trai - Ảnh do gia đình bà Tề cung cấp
Sau khi viếng thăm mộ con ở nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên, bà Tề chỉ nói "Mẹ toại nguyện rồi". Gia đình bà cũng không biết bức ảnh của bà Tề khiến nhiều người xúc động như vậy.
Liệt sĩ Trần Văn Hanh là người con thứ 3 của bà Tề, hi sinh ngày 14-7-1984. Khi đó, anh Hanh là chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 818, Sư đoàn 314.
"Giữa năm 1983, em tôi được nghỉ phép về nhà mấy ngày. 'Nó' khoe sang năm ra quân sẽ về nhà lấy vợ. Ngày ấy, trong nhà có mấy bức ảnh đen trắng, Hanh mang đi hết để tặng bạn bè làm kỷ niệm lúc chia tay.
Nó hi sinh trước ngày ra quân 2 tháng. Gia đình chúng tôi đặt mấy bộ quần áo và lá cờ Tổ quốc lên ban thờ thay cho ảnh chân dung", ông Mạn tâm sự.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online