Câu chuyện trong sách khiến phụ huynh lo lắng. Ảnh: NGHĨA HIẾU
Không chỉ phàn nàn về những từ ngữ đưa vào sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 chưa phù hợp, phương ngữ, ít người biết, các phụ huynh còn lo lắng về nội dung của những câu chuyện dân gian, ngụ ngôn mà học sinh lớp 1 được học.
Dạy tính lừa lọc, mưu mẹo?
Một bạn đọc có con học lớp 1 đã chụp hình sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 (bộ sách Cánh diều) bài 63- Ôn tập với phần Tập đọc là truyện dân gian Việt Nam có tên Cua, cò và đàn cá với nội dung như sau:
“Cò kiếm ăn ở ven hồ. Gặp cá rô, nó ra vẻ thật thà: Dăm hôm nữa, hồ bị tát cạn, cá tôm sẽ bị bắt hết.
Đàn cá nhờ cò giúp. Cò hứa đưa đàn cá đến xóm bên. Lũ cá nghe cò. Thế là cò dần dần chén hết đàn cá”.
Từ nội dung câu chuyện trên, bạn đọc hoang mang:
“Nếu để ôn tập, rèn kỹ năng đọc, vốn từ thì kho tàng truyện dân gian có hàng ngàn câu chuyện có ý nghĩa giáo dục. Cớ sao các nhà biên soạn sách lại lấy một câu chuyện có tính chất lừa lọc, mưu mẹo, gian xảo để cho học trò đọc và học.
Tên câu chuyện là Cua, cò và đàn cá nhưng không thấy xuất hiện “nhân vật cua”, con tôi thắc mắc hỏi “cua đâu bố?”, tôi thật sự không biết giải thích với con thể nào?
Và đã đành hẹn để đọc lại rồi giải đáp chứ không dám trả lời theo logic câu chuyện là bởi vì cò trước khi lừa cá thì đã lừa và “chén” cua rồi”.
Một bài tập đọc trong sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 (bộ Cánh Diều). Ảnh: NGHĨA HIẾU
Học gì qua câu chuyện dạy nhau cách trốn việc?
Tương tự, chị Nguyễn Quỳnh Trang, phụ huynh lớp 1 ở Q.12 (TP.HCM) phản ứng về câu chuyện Hai con ngựa trong sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 (bộ sách Cánh Diều) ở trang 157:
“Bác nông dân nọ có một con ngựa tía, một con ngựa ô. Ngựa tía biếng nhác. Còn ngựa ô làm lụng vất vả. Một đêm, ngựa tía thắc mắc:
- Chị làm hùng hục như thế để làm gì?
Ngựa ô ngạc nhiên: Không làm thì ông chủ mắng
- Chủ mà giục em làm, em sẽ trốn.
Ngựa ô lẩm bẩm: “Có lí lắm”
Phụ huynh học sinh này nói:
“Dạy học sinh các từ chăm chỉ, lười biếng nhưng lại lấy một câu chuyện phản giáo dục, với chiêu trò của 2 con ngựa chỉ nhau cách trốn việc, làm việc thiếu trách nhiệm. Học sinh sẽ học, phát triển tư duy năng lực thế nào từ những câu chuyện tích hợp trong sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 như thế này? Tôi thật sự lo lắng”.
|
Chia bài tập đọc thành nhiều phần, có hợp lý? Thiết kế các bài đọc môn tiếng Việt lớp 1 trong bộ sách Cánh Diều chia làm nhiều phần. Chẳng hạn với bài bài 63 - Cua, cò và đàn cá (1) với nội dung như đã dẫn ở trên là phần 1, sang bài 64 sẽ có phần 2 mới thành một câu chuyện hoàn chỉnh. Tương tự như vậy với bài Hai con ngựa (Bài 88 và 89). Vấn đề ở đây, với học sinh lớp 1, tách nội dung bài học như vậy là không hợp lý trong việc giáo dục. Học sinh tuổi này học đến đâu sẽ hiểu đến đó nên nếu tách nội dung bài đọc làm 2 hay nhiều phần sẽ khiến học sinh hiểu sai tinh thần bài học. |
Giáo viên nói gì về nội dung câu chuyện?
Bà Tô Thụy Diễm Quyên, chuyên gia giáo dục toàn cầu của Microsoft, chia sẻ: “Cảm giác đầu tiên của tôi khi đọc câu chuyện trong sách là không an toàn, không thoải mái nếu có con học cuốn sách này. Con tôi sẽ được giáo dục thế nào khi đây khi não bộ của một đứa trẻ 6 tuổi chưa đủ khả năng để suy nghĩ đặt ngược lại vấn đề. Ở lứa tuổi này khi đọc bài tập đọc sẽ ám thị và sẽ là cách ứng xử nên nếu đưa ra một tình huống sai thì có thể dẫn đến cách ứng xử theo tình huống đó”.
Vì vậy, theo bà Diễm Quyên, với học sinh lớp 1, đang học và luyện từ thì cần thiết nên dùng ngữ liệu là những câu chuyện đẹp, có ngôn từ đẹp, định hướng tốt, giáo dục lối sống, kỹ năng. Và không kho tàng văn học dân gian hay hiện đại, trong nước hay trên thế giới đều không hề thiếu. Và có thể lấy từ chính những câu chuyện có thật trong cuộc sống hằng ngày đề giáo dục học sinh
Còn giáo viên Huỳnh Lê Ý Nhi (Q.Tân Phú, TP.HCM) bày tỏ quan điểm: “Nội dung câu chuyện không có tính giáo dục. Bởi lẽ trẻ em sẽ bắt chước sự gian dối, lừa lọc. Hãy cứ dạy trẻ thật thà, ngay thẳng và biết giúp đỡ người khác. Những bài học đầu đời rất quan trọng vì nó để lại dấu ấn sâu đậm, khó quên trong tâm trí mỗi người”.
Bích Thanh
Nguồn: thanhnien.vn