Theo yêu cầu của nhà nước, từ ngày 1/4-15/4 để hạn chế sự lây lan của virus Vũ Hán, những người bán vé số sẽ phải dừng hoạt động, tuân thủ lệnh cách ly xã hội. Vậy là công việc mưu sinh duy nhất của rất nhiều người khốn khổ đã bị gián đoạn...

42 1 Nhung Canh Doi Thuong Tam Trong Cach Ly Nghe Ban Ve So Dao Va Kiep Song Chay An Tung Bua

Những phận đời nổi trôi...

Sống hơn nửa đời người, nhưng ông T.V.Dương 62 tuổi ngụ tại phường Rạch Sỏi, Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang vẫn phải còm cõi chạy ăn từng bữa. Dừng chiếc xe lắc tay ven đường Ngô Gia Tự, cùng những tấm vé số mỏng manh, ông bắt đầu kể. Cách đây 3 năm, ông bị gai cá trê đâm vào ngón chân.

Sau đó, vết thương nhiễm trùng nên phải cắt một phần chân trái. Sau tai nạn, cuộc sống gia đình ông khốn khó hơn, không chịu nổi cảnh đời khắc nghiệt, vợ cùng 2 con trai ông Dương đã bỏ nhà đi nơi khác, để lại ông một mình bán vé số sống qua ngày, theo báo Tuổi trẻ. 

Những ngày nắng ráo, thuận lợi, ông Dương lắc xe đi chừng 20 cây số bán được 100-150 tờ vé số, kiếm được 100.000 đồng. Nhưng những ngày sắp tới thì ông không biết phải làm gì để trang trải cuộc sống.

Tiền dành dụm ít ỏi cũng chỉ đủ vài ba bữa cơm, ông lo lắng không biết những ngày sau sẽ thế nào.

42 2 Nhung Canh Doi Thuong Tam Trong Cach Ly Nghe Ban Ve So Dao Va Kiep Song Chay An Tung Bua

Hình ảnh minh họa, không phải là nhân vật trong bài viết. (Ảnh: Tri Nguyen Flickr - CC BY 2.0)

Đồng cảnh ngộ với ông Dương, chị Nguyễn Thị Hải sống tại tỉnh Sóc Trăng cũng phải đi bán vé số dạo gần 6 năm nay. Vợ chồng chị có một con trai 8 tuổi. Trước đây, hai vợ chồng làm phụ hồ, cuộc sống đắp đổi qua ngày. Trong một chiều mưa gió, lúc đang tô tường thì giàn giáo sập, chồng chị ngã, tổn thương xương sống, từ đó đến nay không thể làm việc nặng. 

Thương chồng, thương con, chị chuyển sang bán vé số. Hằng ngày, chị Hải rời nhà lúc tờ mờ sáng đến gần 5h chiều mới về, đạp xe không dưới 10 cây số. Hôm nào bán đắt, được 200 tờ, cũng đủ trang trải và nuôi con ăn học. 

Và còn rất nhiều cảnh ngộ thương tâm khác, họ phải ngày ngày lang thang trên các con phố, bất chấp mưa gió nắng nôi, chắt chiu từng đồng bạc nhờ những tấm vé số. Thương cho những số phận bất hạnh, khi khi dịch bệnh đến, nghề kiếm cơm duy nhất của họ cũng đang bị đe doạ… 

Những tấm lòng hảo tâm 

Cả xã hội hiện đang quan tâm đến cuộc sống của hàng ngàn người bán vé số dạo, họ sẽ sống ra sao? Và nhiều chiến dịch “giải cứu vé số" đã bắt đầu. 

Theo báo Tuổi trẻ, anh Nguyễn Thanh Tâm - một đại lý vé số ở Vĩnh Long ngay sáng 30/3 đã quyết định trích bớt một phần tiền lãi thu được hàng ngày giúp đỡ hơn 30 người bán vé số, mỗi người 50.000 đồng mà như anh nói là "của ít lòng nhiều, anh trả ơn họ đã nuôi mình".

Hay như ông chủ đại lý vé số Trung Hiếu ở Cái Răng, Cần Thơ đã quyết định tặng 500 kg gạo cho bà con bán vé số; ông Nguyễn Văn Gạo, ở TPHCM tặng 2,5 tấn gạo cho 250 người bán vé số dạo…

Hành động yêu thương lan toả, khiến nhiều ông chủ các công ty xổ số kiến thiết quyết định ngay lập tức chi hàng trăm tấn gạo, hàng ngàn phần quà bằng tiền mặt và nhu yếu phẩm thiết yếu, giúp những người bán vé số trang trải sinh hoạt hàng ngày.

Cộng đồng mạng cũng không khoanh tay đứng nhìn…

Nhiều mạnh thường quân dũng cảm đứng ra kêu gọi mọi người ủng hộ, giúp đỡ những người bán vé số. Họ lập ra “chiến dịch 14 ngày", quyên tặng gạo và mì gói cho những người không nơi nương tựa. 

"Đa phần những người bán vé số, buôn gánh, bán bưng. Họ chỉ thuê một căn phòng vỏn vẹn tầm 8m vuông. Đa số là các cô chú lớn tuổi, khuyết tật. Thu nhập mỗi ngày 1, 2 trăm ngàn, không tiền để về quê, muốn về cũng không có xe để đi, không tiền trả tiền thuê nhà, làm sao có tiền ăn uống? Chắc chắn không thể tồn tại trong 14 ngày nghỉ dịch” - lời kêu gọi cho chiến dịch của một mạnh thường quân.

42 3 Nhung Canh Doi Thuong Tam Trong Cach Ly Nghe Ban Ve So Dao Va Kiep Song Chay An Tung Bua

Kết quả, họ đã mang được nhu yếu phẩm tới tay rất nhiều số phận bất hạnh. Những nụ cười giản dị của các cô, các bác khi nhận đồ cứu trợ khiến người ta nhẹ lòng. Hoá ra sống trên đời điều hạnh phúc là nhìn thấy người khác hạnh phúc. Tình người và sự đồng cảm vẫn còn đó... 

42 4 Nhung Canh Doi Thuong Tam Trong Cach Ly Nghe Ban Ve So Dao Va Kiep Song Chay An Tung Bua

Không chỉ vậy, nhiều fanpage cũng chia sẻ tâm nguyện mua vé số sau khi hết dịch bằng những lời lẽ dễ thương. 

"Trong 30 điều phải làm sau khi hết dịch, điều đầu tiên là: Mua mấy tờ vé số ủng hộ người bán". Bài đăng đến nay đã nhận được 6.400 lượt chia sẻ, và được cư dân mạng đồng tình. 

42 5 Nhung Canh Doi Thuong Tam Trong Cach Ly Nghe Ban Ve So Dao Va Kiep Song Chay An Tung Bua

Một nhóm facebook “Giải cứu vé số" cũng được lập ra, thực hiện những ý tưởng khác nhau để giúp đỡ người bán vé số, ví dụ, giúp họ trở thành shipper, lập cổng thông tin thiện nguyện để hỗ trợ nhu yếu phẩm cho họ. 

42 6 Nhung Canh Doi Thuong Tam Trong Cach Ly Nghe Ban Ve So Dao Va Kiep Song Chay An Tung Bua

Với những người bán vé số, virus đã vô hình có lẽ còn vô hình hơn. Khi họ vẫn còn phải chật vật lo toan miếng cơm manh áo, thì những thông tin cập nhật về dịch bệnh thật xa vời. “Sống trên đời cần có một tấm lòng để gió cuốn đi".

Cộng đồng hãy chung tay, để mỗi ngày được sống là một quyền cơ bản của những con người bất hạnh. Hãy mang cho họ ánh sáng để nhận ra tương lai no đủ không xa xôi như họ vẫn nghĩ… 

*Ảnh đại diện: Tri Nguyen - Flickr | CC BY 2.0

Mộc Lam

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC