“Tại sao cưỡng bức hôn hít một cô gái chỉ bị phạt 200 ngàn?”,“Phạt như gãi ngứa”,“Công an xử lý vậy mà coi được à?”…

Thông tin người đàn ông đã cưỡng ép một nữ sinh để hôn trong thang máy ở quận Thanh Xuân, TP Hà Nội chỉ bị phạt tiền 200.000 đồng đang gây ra nhiều bức xúc như thế trong dư luận.

Các bất bình này từng có trong nhiều vụ sàm sỡ trước đó. Vụ một chuyên viên ở huyện Triệu Phong, Quảng Trị mặc dù làm nhiều hành vi bậy bạ với nữ đồng nghiệp như ôm, giữ, hôn, cắn vào môi, sờ soạng nhiều chỗ… cũng chỉ bị phạt 200.000 đồng là một trong số các đơn cử.

Theo đó, không chỉ chê “luật pháp gì kỳ!”, rất nhiều người còn nghi ngờ, quở trách các cơ quan công an đã méo mó trong thi hành luật. Vậy, công an có thực sự sai hay một số người đã hiểu không đúng rồi phản ứng bậy?

42 1 Quay Roi Tinh Duc Cong An Phat 200 Ngan Thi Sai Gi

Hiện đang không có quy định nào của pháp luật định nghĩa rõ thế nào là quấy rối tình dục cùng mức phạt tương xứng. Ảnh minh họa: PLO

Dưới con mắt của số đông thì những hành vi cố tình đụng chạm vào thân thể trái với mong muốn, làm ảnh hưởng đến nhân phẩm của nữ giới (và cả nam giới) như ở hai trường hợp nêu trên đích thị là quấy rối tình dục (QRTD).

Tuy nhiên, nghịch lý tồn tại khá lâu là đang không có quy định nào của pháp luật cho đó là QRTD để có mức phạt tương xứng. Hiện chỉ mới có khái niệm “QRTD tại nơi làm việc” được nêu trong Bộ luật Lao động năm 2012 nhưng như thế nào là QRTD thì chẳng rõ.

Trên thực tế, khi xét thấy chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm (không có/không hướng đến việc giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác) để xử lý hình sự thì các cơ quan công an xử phạt vi phạm hành chính.

42 2 Quay Roi Tinh Duc Cong An Phat 200 Ngan Thi Sai Gi

Hình ảnh chị V. bị cưỡng hôn trong thang máy. Ảnh cắt từ clip

Quy định mà hiện vụ nào vụ nấy cũng đều áp dụng là Nghị định 167/2013. Cụ thể, người có hành vi xằng bậy với phụ nữ sẽ bị xử phạt lỗi “có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác” (theo điểm a khoản 1 Điều 5, có mức phạt 100.000-200.000 đồng).

Nếu đối chiếu kỹ lưỡng nội dung quy định của điều khoản này với các trường hợp đã nêu ở trên, mọi người có thể nhận ra việc xử phạt lâu nay của các cơ quan công an có phần ép uổng, không hoàn toàn chính xác.

Các thủ phạm không phải có “cử chỉ, lời nói khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm…” mà là đã có hành động xúc phạm...

Tới đây xin được mở ngoặc như sau:

Theo từ điển tiếng Việt, “cử chỉ” là cử động (tự làm chuyển động bộ phận nào đó trên cơ thể), dáng điệu bên ngoài nhằm biểu thị một thái độ. Còn “hành động” có nét nghĩa khác, đó là làm việc gì để đạt được mục đích, ý nguyện.

Tính ra, xử phạt theo điều khoản khá chung chung, không đầy đủ nêu trên thì đâu đã đúng, đã thích đáng đối với các hành vi QRTD luôn chứa đựng các ý đồ không đàng hoàng về tình dục! Khi không thể không phạt nhưng lại không có quy định nào thích hợp hơn để phạt, nếu phải trách thì trách luật thiếu chứ sao lại đồn đoán công an tiêu cực?

Đã đến lúc phải có quy định riêng về hành vi vi phạm này, nhất là khi ai nấy đều cùng xác định QRTD là một tệ nạn nhức nhối của xã hội hiện đại. Về mức phạt, nếu mức phạt của điều khoản “có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích…” được dự kiến sửa đổi 1-2 triệu đồng thì mức phạt cho các hành vi QRTD phải cao gấp mấy lần mới “đáng tội”.

Trước mắt, các cơ quan chức năng có thể tham khảo Bộ Quy tắc ứng xử về QRTD tại nơi làm việc do Bộ LĐ-TB&XH cùng Tổng Liên đoàn Lao động, Phòng Thương mại công nghiệp đã công bố với sự giúp đỡ của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) để tính toán thêm.

Với bộ quy tắc này, QRTD có thể bằng hành vi mang tính thể chất như sờ mó, vuốt ve, cấu véo, ôm ấp, hôn… hoặc bằng lời nói gồm các nhận xét không phù hợp về mặt xã hội, văn hóa, những ngụ ý về tình dục. Hoặc bằng các hành động như ngôn ngữ cơ thể khiêu khích, biểu hiện không đứng đắn, cái nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục, các cử chỉ của ngón tay...

Tóm lại, câu hỏi “như thế nào là QRTD?” cần phải sớm được các nhà làm chính sách giải đáp cụ thể để từ đó cho ra hình thức xử phạt phù hợp. Nếu không, các cơ quan chức năng cứ áp dụng điều khoản xử phạt vừa khiên cưỡng vừa quá nhẹ, gây thêm nhiều giận dữ.

42 3 Quay Roi Tinh Duc Cong An Phat 200 Ngan Thi Sai Gi

Cưỡng hôn cô gái trẻ trong thang máy, người đàn ông bị phạt... 200.000 đồng

Công an quận Thanh Xuân vừa ra quyết định xử phạt hành chính đối với người đàn ông có hành vi sàm sỡ cô gái trẻ trong thang máy.

 

Theo NGUYÊN THY (Pháp luật TPHCM)




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC