Tổng giám đốc Viwasupco cho rằng công ty mình cũng là nạn nhân của sự cố tràn dầu và chưa có lời xin lỗi chính thức đến người dân
Để người dân vật vã khổ sở nhiều ngày thiếu nước sinh hoạt nhưng lãnh đạo Công ty nước sông Đà nhất quyết không xin lỗi.
Người dân phía Tây Hà Nội đang dần thoát khỏi những ngày “vật vã” nhất trong năm 2019 khi cuộc sống bị đảo lộn bởi bể nước ăn của gia đình bỗng dưng bị bẩn.
Các cơ quan, ban ngành, đoàn thể đã vào cuộc xác minh, Công an tỉnh Hòa Bình đã khởi tố vụ án hủy hoại môi trường, đồng thời những thủ phạm của vụ việc đổ trộm dầu thải đã bị triệu tập để điều tra.
Tới đây, những kẻ này sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, thế nhưng khi cơn khát tạm thời dịu xuống, người ta bắt đầu nhận thấy những người có trách nhiệm để nước bẩn làm nhiễu loạn cuộc sống của người dân bị khiếm khuyết văn hóa xin lỗi.
Cụ thể, ngày 17/10, trong buổi họp báo cung cấp việc ô nhiễm nguồn nước sạch cung cấp cho Thành phố Hà Nội diễn ra tại Hòa Bình, đại diện Sở Tài nguyên - Môi trường Hòa Bình cho biết, ngay khi nhận được thông tin vụ việc, trong sáng 14/10, Sở đã trực tiếp xuống khu vực nghi bị đổ trộm dầu thải, các suối dẫn nước và làm việc với Nhà máy nước sạch Sông Đà (Viwasupco).
Ngày 18/10, ông Bùi Đăng Khoa - Phó giám đốc Công ty Cổ phần nước sạch sông Đà (Viwasupco) liên tục né tránh và cho rằng “công ty là nạn nhân lớn nhất”. Khi được hỏi về lời xin lỗi, ông Khoa đã né tránh và không nhận trách nhiệm về vụ việc và phát biểu rằng "Phải chờ kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng".
Dòng sông Đà bị nhiễm bẩn từ những kẻ đổ trộm, nhưng những người bán nước bẩn có thể vô can? (Ảnh TTXVN) |
Phát ngôn tương tự cũng được ông Nguyễn Văn Tốn - Tổng giám đốc Viwasupco, đưa ra tại buổi họp của Thành ủy Hà Nội ngày 15/10.
“Công ty sẽ họp lại với nhau để xem xét rõ trách nhiệm của mình. Chúng tôi cũng là nạn nhân của sự việc”, ông Tốn nói.[1]
Có thể, khu vực chất đổ thải không nằm trong diện quản lý của công ty và đơn vị này có thể cũng đã rất bị động khi nguồn nước cung cấp bị nhiễm bẩn.
Tuy nhiên, xét về trách nhiệm là người cung cấp sản phẩm, việc sản phẩm của mình có vấn đề không đảm bảo thì với tư cách là người bán, công ty phải chịu trách nhiệm.
Bên cạnh đó, một số cán bộ của Công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) có phát hiện việc này từ sáng ngày 08/10/2019, nhưng đã không có bất cứ báo cáo nào với các cơ quan chức năng của tỉnh Hòa Bình, cũng như Thành phố Hà Nội nhưng vẫn bán nước bẩn cho người dân. [2]
Chỉ khi người dân phát hiện ra có vấn đề về chất lượng sản phẩm, mọi thứ mới vỡ nở. Đặc biệt, khi sự cố xảy ra, người dân không nhận được bất kỳ thông tin gì mà vẫn cung cấp nước cho người dân khi biết rằng nước có thể nhiễm hóa chất.
Đó cũng chính là nguồn cơn của mọi sự bức xúc trong thời gian qua.
Không ít người đã mỉa mai các công ty cung cấp dịch vụ ở ta: “Thu tiền thì nhanh thế, mà khi sự cố xảy ra thì quanh co, chối đây đẩy”.
Ai chịu trách nhiệm cho những đêm vật vã trong cơn khát nước sạch cho một bộ phận người dân Hà Nội? (Ảnh: Vũ Ninh) |
Văn hóa “chối tội, đổ lỗi, thanh minh” của Công ty Cổ phần nước sạch sông Đà (Viwasupco) đã thể hiện rõ trong sự vụ nước bẩn những ngày vừa qua.
Trao đổi trên tờ Tri thức trẻ, Giáo sư Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ tài Nguyên và Môi trường, cho rằng những phát ngôn này vô cùng phản cảm, thể hiện văn hóa và đạo đức thị trường yếu kém của lãnh đạo Viwasupco.[3]
Bên hành lang Kỳ họp Quốc hội sáng ngày 22/10, ông Trần Đăng Ninh - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hòa Bình, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình đã trao đổi với báo giới về một số vấn đề xung quanh vụ việc đổ trộm dầu thải gây ô nhiễm nguồn nước mà Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) khai thác, bán cho dân.
Nói về trách nhiệm cung cấp nước, ông Trần Đăng Ninh chỉ thẳng ra vấn đề: “Theo tôi, đã cung cấp nước sạch cho người dân thì phải đảm bảo chất lượng. Khi chưa đảm bảo thì trước hết phải nhận trách nhiệm là người cung cấp nước cho người dân.
Bây giờ công ty nói thực chất một số số liệu vẫn đảm bảo nhưng người dân phản ánh nước đó có mùi khét thì công ty phải chịu trách nhiệm”.[4]
Cũng cần phải nhấn mạnh về kết quả xét nghiệm mẫu nước mà người dân được cung cấp có quá nhiều vấn đề liên quan đến sức khỏe của người dân.
Các cán bộ của Trung tâm kiểm soát bệnh tật Sở Y tế Thành phố đã lấy nhiều mẫu nước tại nhiều vị trí khác nhau để xét nghiệm.
Đặc biệt, căn cứ vào kết quả xét nghiệm của Trung tâm kiểm soát bệnh tật của Thành phố theo QCVN 01:2009/BYT xác định:
Các mẫu xét nghiệm đều có hàm lượng Styren thuộc nhóm các chỉ tiêu giám sát mức độ C, cao hơn giới hạn cho phép (20mg/l) theo QCVN 01:2009/BYT từ 1,3 đến 3,65 lần (tại các vòi hộ gia đình, hàm lượng Styren thấp hơn tại nhà máy và các điểm chứa trung gian).
Các chỉ tiêu giám sát nước độ A: 8/8 mẫu nước đạt quy chuẩn đối với 14/15 chỉ tiêu giám sát. Chỉ tiêu mùi vị là không đạt.
Không thể “thanh minh, chối tội, đổ vấy” cho những kẻ đổ trộm như những gì Công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) đang làm.
Rất nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng người dân có thể kiện công ty Viwasupco bởi khi ký hợp đồng giữa người dân với nhà máy là hợp đồng nước sạch, đảm bảo quy chuẩn chứ không phải thứ nước nhiễm dầu thải.
Nếu người dân không kêu thì sẽ còn bao nhiêu khối nước nữa tiếp tục chảy vào gây nguy hại cho sức khoẻ của họ?
Trong buổi giao ban báo chí ngày 15/10 tại Thành uỷ Hà Nội, lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết một số cán bộ của nhà máy nước sông Đà biết có dầu thải nhưng không ngăn chặn, không báo cáo, mặc kệ nước bị nhiễm dầu.
Ông Nguyễn Văn Tốn - Tổng giám đốc Công ty nước sông Đà thì biện minh các xét nghiệm vẫn đạt nên không báo cáo.
Vậy nhưng tại Quốc hội ngày 22/10 thì Phó Bí thư tỉnh uỷ Hoà Bình đã nói thẳng rằng khi ông đến bên ngoài khu vực nhà máy đã thấy mùi khét nồng nặc như cao su cháy.
Vậy chẳng lẽ khi đã có mùi khét nồng nặc mà nhà máy vẫn thấy bình thường?
Có lẽ với một số cán bộ của nhà máy này thì đúng là “bình thường”, vì thế mà khi hàng nghìn người dân phải thức đêm xếp hàng chờ lấy nước sạch thì họ vẫn nhất định tiết kiệm lời xin lỗi.
Từ sự cố này có lẽ Thành phố Hà Nội cần sớm yêu cầu tổng kiểm tra toàn bộ quy trình khai thác nước của các nhà máy để đảm bảo nước thực sự sạch và ứng phó được với các sự cố.
Đây là biện pháp cần thiết để bảo vệ sức khoẻ hàng triệu người và cho thấy chính quyền thành phố luôn coi trọng sức khoẻ của dân.
Tài liệu tham khảo:
[1] //giaoduc.net.vn/suc-khoe-hoc-duong/phat-hien-dau-thai-trong-nuoc-nhung-khong-ngan-chan-khong-bao-cao-post203423.gd?
[2] //tuoitre.vn/pho-giam-doc-cong-ty-nuoc-sach-song-da-khong-xin-loi-cho-co-quan-chuc-nang-2019101717234266.htm
[3] //news.zing.vn/phat-ngon-phan-cam-nuoc-sach-song-da-muon-phui-trach-nhiem-post1003170.html
[4] //giaoduc.net.vn/tieu-diem/pho-bi-thu-tinh-hoa-binh-nuoc-ban-thi-cong-ty-cung-cap-phai-chiu-trach-nhiem-post203624.gd
Trần Phương
Nguồn: Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam