Cả thế giới đều thích đồ rẻ, thế nên kết luận rằng chính sự tham rẻ đến ngu muội của người Việt tiếp tay cho thực phẩm, thì thật là tàn nhẫn.

Tôi không biết liệu người Việt có thông minh tuyệt đỉnh bằng người Do Thái hay không, nhưng tôi biết người Việt không ngu.

42 1 Thuc Pham Ban Do Toi Nguoi Viet Tham Re La Qua Tan Nhan

Buffet Hà Nội 30.000đ/suất và ông tỉ phú xếp hàng mua mũ “hàng thùng”

Năm 2015, thu nhập bình quân đầu người Việt Nam là 2.019 USD, còn Hong Kong là 53.432,23 USD.

Thế nhưng, tối 25/6/2015, hàng nghìn người Hong Kong vẫn tự nguyện chen nhau bẹp ruột để có thể mua được một món hàng IKEA chỉ giảm giá 5 - 10% tại Trung tâm thương mại MegaBox.

Đến 5h sáng, vẫn còn hàng trăm người vẫn kiên nhẫn chờ thanh toán. Nhiều người mệt đến mức chui vào sạp hàng hóa để ngủ.

42 2 Thuc Pham Ban Do Toi Nguoi Viet Tham Re La Qua Tan Nhan

Các tầng của trung tâm thương mại MegaBox chật kín người chờ mua hàng giảm giá. Ảnh: Ifeng

Nếu quy đổi, thời gian chờ đợi và sự hành xác ấy, còn lớn hơn giá trị hàng hóa được giảm. Nhưng nếu có có lần giảm giá thứ hai, hàng ngàn người sẽ vẫn tự nguyện được hành xác.

Thu nhập bình quân đầu người ở xứ xở sương mù là gần 40.000 USD, nhưng đến ngày Boxing Day, nhiều ngàn người Anh lịch lãm cũng chen nhau xếp hàng từ 2h sáng, để có một món đồ giảm giá. Không ít phụ nữ ngã lăn ra đường vì bị xô đẩy.

Mùa giảm giá ở Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan… - những nước có chế độ phúc lợi, an sinh tốt nhất thế giới – nhiều ngàn người dân vẫn lũ lượt xếp hàng mua sắm.

Ông chủ chuỗi cửa hàng bán lẻ nội thất IKEA nổi tiếng thế giới người Thụy Điển, Ingvar Kamprad có đến 3,4 tỉ đô la tài sản.

Thế nhưng, hàng ngày người ta vẫn thấy ngài Kamprad lái chiếc Volvo cà tàng, đi máy bay hạng phổ thông và xếp hàng mua hàng giảm giá. Có lần ông bị bắt gặp diện nguyên chiếc mũ len “hàng thùng” giá chưa đến chục đô.

Như vậy, Đông Tây Nam Bắc, giàu nghèo đều thích rẻ cả, không cứ người Việt.

Ham giá rẻ không là một cái tội.

Những ngày qua, một trong những luồng ý kiến được cư dân mạng rất tán thưởng là: Chính vì tham rẻ nữa, rẻ mãi nên người Việt đã tiếp thêm nguồn sống cho thực phẩm bẩn.

Ý kiến này, rất giống quan điểm vị GS tôi đã đề cập trong bài “NGU THÌ CHẾT và người Việt ăn gì để không chết?”. Vị GS ấy nói rằng: Biết thực phẩm bẩn mà người Việt cứ lao đầu vào mua, ngu thì chết.

Tôi không biết liệu người Việt có thông minh tuyệt đỉnh bằng người Do Thái (như một số ý kiến vẫn thường so sánh) hay không, nhưng tôi biết người Việt không ngu.

Nhưng đâu có mấy ai giúp họ trở thành người tiêu dùng thông thái?

Cách đây ít lâu, một số phóng viên trẻ cơ quan tôi hớn hở mách nhau một quán ăn giá rẻ mà thịnh soạn có tên Như Mơ.

Cái giá ấy đúng là “như mơ” thật, nó khiến sinh viên hoặc người không giàu, có thể bị sốc phản vệ vì sung sướng. Buffet trưa giá 30.000đ/suất.

Tôi vào thử quán ấy. Không thiếu bất cứ món gì.

Nhìn những đĩa thức ăn được bày biện đẹp mắt, tôi nghĩ có dùng kính chiếu yêu cũng không thể phân biệt được sạch hay bẩn.

Tôi liền gọi cho một anh bạn cũng là chủ một quán ăn.

Anh bạn phân tích: “Quán tôi, nếu bán 30.000đ/suất thì cũng chỉ có vài miếng thịt, vài miếng đậu.

Còn quán tự chọn, tức là lấy thức ăn thoải mái, thì người ăn khỏe, sẽ lấy thức ăn gấp đôi gấp 3 người khác. Người ăn yếu sẽ cố ăn thêm gấp rưỡi, gấp đôi người khác. Họ đều chỉ phải trả 30.000đ.

Chính vì vậy, muốn có lãi, thì chủ quán phải chọn nguyên liệu thực phẩm có giá cực rẻ để đảm bảo giá thành làm nên một suất ăn ấy không được vượt quá 10.000 – 15.000đ.

Thế thì họ mua thực phẩm ở đâu để có thể làm nên một suất ăn giá thành chỉ có 10.000 – 15.000đ?

Nếu không phải thịt bò ôi, thịt heo chết bệnh, cá ươn, rau kích phọt, thực phẩm cuối chiều, gia vị trôi nổi… thì là cái gì?”.

Tôi mang những phân tích của anh bạn chủ quán, nói với mấy cậu phóng viên trẻ. Ngay buổi trưa hôm sau, nỗi sợ đã kéo chân họ về phía quán ăn khác. Như Mơ đã trở thành “Ác Mộng” với họ.

Đa số cần lao thích rẻ, đó là sự thật, vì giảm được chút chi phí nào cũng rất quý trong cuộc sống mọi thứ đều “đánh võng tốc độ cao qua mặt lương”.

Những sinh viên, công nhân khu công nghiệp, lao động phổ thông và những người nghèo khác, thì không còn lựa chọn nào khác. Thu nhập của họ buộc họ phải ăn những thứ rẻ nhất và cầu mong trời không kêu họ “dạ”.

Những người có thể lựa chọn quán ăn thì lại hoang mang trong ma trận “bất khả tri”.

Đến quán nào cũng rất dễ nhận ra tờ giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm treo trang trọng trên tường. Nhưng bao nhiêu trong số đó những quán đó mua thực phẩm an toàn, rõ nguồn gốc, để phục vụ thượng đế?

Những ngày này, khi người tiêu dùng đang ở trong cơn hoang mang tột cùng về thực phẩm bẩn, họ vẫn không biết tin ai.

Ai đảm bảo với họ rằng suất ăn 50.000, 60.000, thậm chí 500.000đ chắc chắn sẽ sạch hơn suất ăn 30.000đ buffet của quán ăn Như Mơ?

Không thể khẳng định chắc chắn, nhiều người đành chọn nơi bán rẻ hơn, vì như thế, ít ra họ cũng tiết kiệm được ít tiền lo việc khác.

Một chiếc khăn ướt bẩn có thể giết chết 31.000 con chuột nhắt

Nếu nói sự ham rẻ của người tiêu dùng Việt đã tiếp tay cho thực phẩm bẩn, thì tại sao ở Việt Nam, có rất nhiều thực phẩm bán cực đắt, nhưng vẫn bẩn?

Đám bạn tôi, tín đồ của thịt dê, mấy năm trước đã ngẩn tò te gửi cho nhau cái tin: Chi Cục quản lý thị trường Hà Nội đã bắt giữ hơn 1 tấn thịt và nội tạng dê đã bốc mùi, không có nguồn gốc tại cơ sở sơ chế thịt dê ở đường K3, Cầu Diễn, Hà Nội.

Cơ sở sơ chế thịt dê này chuyên cung cấp cho hệ thống lẩu dê Dũng râu nổi tiếng trên đường Nguyễn Khang và Tô Hiệu, Hà Nội.

Sau cái tin ấy, não của các bạn tôi đã delete cụm từ “lẩu dê Dũng râu”.

Anh trai tôi ở Lương Sơn, Hòa Bình rất ngạc nhiên khi thấy nhân viên các quán bán thịt thú rừng đi lùng mua chó con. Sau khi điều tra đơn giản, anh phát hiện: Những con chó mới lớn đó, sẽ làm giả hoàn hảo các món thịt thú rừng như don, dúi, cầy, hươu, nai…

Các thượng đế bị chém tiền triệu chỉ để ăn thịt một con chó nhỏ.

Anh H, một lái buôn đã giải nghệ ở Phúc Lâm, Mỹ Đức, Hà Nội kể rằng, để bán được thịt lợn bệnh, lợn chết, phải nhớ kỹ một nguyên tắc: Không được bán giá rẻ hơn bình thường.

Lái buôn có thể mua với giá 300.000 - 500.000đ/ một con lợn 100kg sắp chết hoặc đã chết, nhưng khi mổ thịt vẫn bán như lợn khỏe, lãi vài triệu. “Bán rẻ họ nghi ngay và sẽ không mua, dù mình đã có hóa chất làm tươi thịt” – H nói.

Yến sào, một thứ hàng hóa mà giá trị có thể quy đổi ra vàng, đô la (3-4 triệu đồng/lạng), cũng bị làm giả.

Những cơ sở phù phép để Yến sào tăng gấp đôi trọng lượng, được coi là vẫn còn có “chút lương tâm” so với những kẻ làm yến sào hoàn toàn bằng bằng đường và bột. 30kg để mua đường và bột để có 1kg yến sào trị giá 30 triệu đồng.

Khăn giấy ướt không phải loại hàng rẻ. Nhưng những bịch khăn ướt sau khi được Tổng cục Tiêu chuẩn và Đo lường Chất lượng kiểm nghiệm thì thấy: Mỗi tờ khăn ướt giả kém chất lượng có tới 3,1 triệu trực khuẩn mủ xanh.

Điều này, đồng nghĩa với việc 1 tờ khăn giấy ướt giả có thể giết chết tới 31.000 con chuột nhắt và cũng có thể gây tử vong người nếu bị nhiễm.

Các bố mẹ hãy biết rùng mình vì chính con nhỏ của họ hàng ngày vẫn dùng khăn giấy ướt.

Người tiêu dùng biết tin ai, khi ngay cả một cty chuyên sản xuất “rau an toàn” như Ba Chữ ở Hà Nội, đầu năm 2015, cũng bị vạch mặt khi mua rau trôi nổi về đóng mác rau an toàn, bán giá cao?

Tôi không biết bao nhiêu khách hàng cật ruột của khách sạn đẳng cấp Hilton Hà Nội sẽ quay gót khi mấy năm trước đoàn kiểm tra phát hiện nguyên liệu làm bánh trung thu tiền triệu của khách sạn này, đều là sản phẩm từ TQ, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Rất nhiều người Việt “nhà có điều kiện”, đã chuyển từ uống rượu Tây tiền triệu sang uống rượu nút lá chuối vài chục ngàn. Họ thà uống cuốc lủi chưng cất kiểu dân gian, chưa khử hết andehit, còn hơn là uống phải rượu giả, rượu bẩn có thể nguy hại hơn nhiều.

Những người cho rằng rẻ thì dễ bẩn, dễ giả sẽ nói gì khi những thứ hàng hóa đắt nhất (kể cả hàng phi pháp) lại đang bị làm giả nhiều nhất: Sừng tê, cao hổ, mật gấu, cao ngựa bạch…?

Không ít người Việt có nhiều tính xấu, như các chuyên gia đã phân tích.

Nhưng tôi tin, hàng triệu người Việt sẽ chùn bước, sẽ rời bỏ các hàng quán mà họ vẫn ăn, để tìm đến quán khác, nếu ai đó chỉ rõ ra cho họ: Quán này dùng thực phẩm bẩn; quán kia “giết người” với giá bán buffet 30.000đ.

Nhưng các tổ chức, cơ quan, cá nhân đã làm gì hàng ngày để giúp “thượng 90 triệu đế khốn khổ” làm người thông thái?

Nếu không trả lời được câu hỏi này, thì xin nhắc lại một lần: Đừng làm khổ thêm người tiêu dùng khốn khổ, bằng cách đổ tội cho họ ham rẻ.

Trừ những người điên mới chấp nhận bán rẻ mạng sống của mình.

"Trời ơi, còn ai dám làm người tốt nữa?"

theo Trí Thức Trẻ




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC