Ở Việt Nam, con tôi được học hành tử tế và công việc khá ổn định.
Tôi chưa bao giờ muốn rời quê hương, nhưng tôi ủng hộ con cái lập nghiệp nơi xứ người, mặc dù biết mình sẽ có tuổi già cô đơn và đối mặt với bệnh tật trong các bệnh viện chen chúc, ồn ào.
Không có gì sánh bằng làm việc tại quê hương cùng bạn bè đồng nghiệp như mình. Con tôi ở xứ người có thể sẽ vất vả, bon chen và bị coi thường nếu thực sự không suất sắc. Người Việt ra đi đa số làm những việc người bản xứ ít làm.
Thật khó có thể nói họ sung sướng hơn ở đất nước mình.
Nhưng có nhiều lý do người ta đánh đổi để ra nước ngoài sinh sống:
- An toàn vệ sinh thực phẩm.
- Vấn đề y tế, chăm sóc sức khỏe chất lượng cao. Ở Việt Nam cũng có những dịch vụ này nhưng không phải ai cũng đủ tiền để theo.
- Trẻ em bị nhồi nhét kiến thức, thiếu kỹ năng sống và muốn được học như nền giáo dục nước ngoài không phải ai cũng có tiền.
Vậy nên, “các con hãy đi và sống theo ý mình muốn – đừng làm điều sai trái thì bố mẹ luôn ủng hộ con” – đó là điều tôi nói với chúng.
Trái ngược với quan điểm trên, độc giả Nguyễn Thủy lại có cái nhìn khác về vấn đề này:
Tôi đã đi học nước ngoài rồi về nước, tôi cảm nhận được thôi thúc muốn đi vì hiểu rõ rằng mình khó hòa hợp với cuộc sống, môi trường làm việc ở vùng quê hẻo lánh của Việt Nam. Lúc đầu, khi mới trở về, có lúc tôi từng bị stress nặng, muốn đi tiếp vì ở nước ngoài công việc phù hợp với chuyên ngành, tính cách hơn, không có văn hóa làm việc bên bàn nhậu, thưa gửi…
Nhưng cá nhân tôi vẫn mừng là mình đã trở về vì bố mẹ đẻ ra tôi đã già, ốm đau bệnh tật, ra nước ngoài tôi không có thời gian gần gũi, quan tâm, chăm sóc.
Có thể ở nước ngoài tiền nhiều hơn, cuộc sống dễ dàng với tôi hơn, nhưng bố mẹ mình mà không chăm lo được thì lo cho ai? Bố mẹ chăm con không tiếc, không lẽ con cái lại tiếc thời gian, công sức chăm lo cho bố mẹ khi về già? Đến khi bố mẹ mất đi có muốn chăm, muốn khóc cũng đã quá muộn màng.
Đi cùng bố mẹ tới viện, tôi gặp nhiều bác có con cái làm ông nọ bà kia, đi nước ngoài hoặc định cư ở nước ngoài, tuần vài ba lần nói chuyện điện thoại với con với cháu, khi đau ốm nằm viện chỉ có người dưng chăm, đến phút cuối không nhìn được mặt con lần cuối. Như thế buồn mà tủi lắm. Nói chung, tôi thấy việc ra đi, quay về hay ở lại là quyết định của mỗi cá nhân, sống ở đâu càng “dễ thở” càng tốt, nhưng người Việt Nam còn có cái cội, cái nguồn, đi vẫn có mái nhà để quay về.
Việt Thành tổng hợp
VnExpress