Cây đu đủ nhà mình vừa quá tầm tay với, chiều qua mấy ông nhỏ đứng ngoài hàng rào kiễng chân dòm. Biết mấy nhóc rồi, vài hôm nữa leo rào vào bẻ tàu lá làm đuốc chứ gì.
À, thì ra sắp trung thu rồi. Người lớn tệ thật, không nhắc chắc gì đã nhớ tuổi thơ của mình đã từng có những cái tết Trung thu đầy khát khao như thế.
Nhớ lại tuổi thơ của mình, trung thu là bưởi, là bòng, là quýt, là mía, là những trái hồng ngâm đỏ sậm, ngọt lịm... mẹ xếp lên mâm đặt ngoài sân. Trung thu là những ngày ngồi vót tre, dán giấy pơ luya làm đèn ông sao, đèn kéo quân.
Mẹ còn dạy cho đan giỏ bằng những sợi len đủ màu để vừa một trái thị thơm thơm. Đêm ngủ mà mắt vẫn liếc giỏ thị treo đầu giường, chờ xem có cô tiên nào từ câu chuyện bà kể bước ra tay cầm bánh dẻo, bánh nướng hay không...
Những đứa trẻ luôn mong chờ tết Trung thu vì đây là dịp chúng được vui chơi, phá cỗ. Ảnh: NÚI XANH
Tuổi thơ đón trung thu còn là những đêm anh em rủ nhau xuống phố, mẹ cho mấy đồng mua trống bị móc túi hết sạch. Anh em về nhà hì hục lột da ếch căng lên cái lon sữa bò làm trống gõ tum tum để cho lũ trẻ trong phố múa sư tử.
Nhớ có lần trung thu ở nơi sơ tán, cùng mấy đứa bạn trong xóm long rong trên đường làng, tay cầm đèn ông sao, vừa đi vừa nghêu ngao "Chiếc đèn ông sao, sao năm cánh tươi màu...”. Chợt có chú dân quân ở đâu chạy tới giựt hết mấy cái đèn quăng xuống đất, lấy chân đạp lên, miệng la lớn: "Không thấy máy bay à, muốn chết hết phỏng?". Mấy đứa tiu nghỉu nhìn mấy cái đèn rúm ró, rồi ra bờ sông nhìn về TP xem đạn cao xạ bắn máy bay Mỹ từng chùm, từng chùm y như pháo hoa.
Thế rồi làm cha, làm mẹ, con cái sinh ra đúng thời bao cấp. Đất nước nghèo khổ thì trẻ em vậy thôi, cũng chặt tre hì hục chẻ chẻ, vót vót để làm đèn ông sao, đèn kéo quân cho con mình chơi. Có cái chụp đèn ngủ bằng nhựa, mình sửa lại, lấy bút màu vẽ xanh đỏ tím vàng lên và đốt nến bên trong cho con gái cầm đi chơi. Hết trung thu này đến trung thu khác, nguyên một thời tuổi thơ của con gái mình gắn với chiếc đèn ấy.
Trung thu là khi là một bụi khoai mì ngoài vườn nhổ lên, lột vỏ, sau đó xay ra thêm vài tán đường nâu hấp lên làm bánh. Lũ trẻ trong nhà và hàng xóm bu vào loáng một cái đã sạch đĩa. Cái vị chua chua ngòn ngọt của những ngày ấy sao mà nó ngon đến thế.
Cuộc sống tự nhiên đưa đẩy mình đi nhiều, hiểu nhiều, biết nhiều và đồng cảm cũng nhiều. Người lớn khổ thôi thì còn chịu được, chứ trẻ em không có tuổi thơ mới thật là điều đáng suy nghĩ. Có năm mình bỏ cả tháng lương còm mua bánh kẹo tập hợp trẻ nhỏ hàng xóm lại để phát quà, mỗi đứa dăm cái thôi nhưng nhìn ánh mắt chúng sáng hơn cả chiếc đèn ông sao mình cảm thấy vui lắm.
Rồi có năm anh em bạn bè thấy vậy, góp tiền cùng mình để tổ chức cho trẻ nhỏ chơi trung thu. Rồi cũng chợt thấy rằng, anh em bạn bè thương mình (thực chất là thương mấy đứa nhỏ nhà nghèo), vậy là đánh "mặt dầy" xin xỏ. Liền tù tì 20 năm qua, năm nào cũng thấy tuổi thơ mình đi về khi được chơi với lũ con nít.
Năm nay, chưa kịp mở miệng xin thì nhà báo Nguyễn Đức Hiển nhắn tin: "Em gửi cho trẻ con xóm nghĩa địa Bầu Lầu 5 triệu đồng. Anh và xã đoàn làm trung thu cho các cháu nhé". Sáng nay ra Đoàn thanh niên thị trấn thông báo, con bé phó bí thư mắt tròn xoe sung sướng y hệt mình chiều hôm qua, vị chi 25.000 đồng/một phần quà là “ngon” lắm rồi.
Sửa lại cái trống con, đầu lân, cái mặt Tôn Ngộ Không, ông địa năm ngoái chị Nguyễn Thị Thanh Thúy và mấy bạn cho để mấy đứa nhỏ quanh xóm còn tập để múa.
Vái trời mưa sớm hết nước để đêm rằm trung thu cho trẻ con chơi. Ruộng bắt đầu gặt rồi, không mưa sẽ dẫn trẻ con xuống ruộng đón trăng.
Nguồn: Báo điện tử Pháp Luật TP.HCM