Việc cả Mỹ và châu Âu đồng loạt trừng phạt Trung Quốc vào thời điểm này cho thấy sự nồng ấm trong quan hệ hợp tác xuyên Đại Tây Dương ở giai đoạn đầu của chính quyền Tổng thống Biden.

42 1 Bi My Va Chau Au Don Dap Tung Don Trung Phat Trung Quoc Vo Mong

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merke. Ảnh: Anadolu Agency.

Trung Quốc từng coi châu Âu như một đối tác thân thiện khi các nhà lãnh đạo của khu vực này né tránh việc tham gia vào cuộc chiến do cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động đối với Trung Quốc trên lĩnh vực thương mại và công nghệ. Nhưng vào đầu tuần này, hình ảnh đó đã tan vỡ khi EU cùng với Mỹ, Anh và Canada áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc liên quan đến vấn đề Tân Cương.

42 2 Bi My Va Chau Au Don Dap Tung Don Trung Phat Trung Quoc Vo Mong

Người dân thu hoạch bông tại Tân Cương, Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa xã.

Bước lùi về mặt ngoại giao của Bắc Kinh

Đây là các lệnh trừng phạt đầu tiên của EU nhằm vào Trung Quốc kể từ sau lệnh cấm vận vũ khí năm 1989. Phát biểu tại cuộc họp hôm 23/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh gọi các biện pháp trừng phạt mới là "sự vu khống và xúc phạm danh tiếng và phẩm giá của người dân Trung Quốc". Bắc Kinh đã đáp trả bằng cách tuyên bố sẽ trừng phạt 4 nhà lập pháp châu Âu và một nhà nghiên cứu người Đức.

Việc cả Mỹ và châu Âu đồng loạt trừng phạt Trung Quốc vào thời điểm này cho thấy sự nồng ấm trong quan hệ hợp tác xuyên Đại Tây Dương ở giai đoạn đầu của chính quyền Biden – người luôn muốn thành lập một liên minh để đối đầu Trung Quốc. Mỹ và EU dường như đang xích lại gần nhau hơn sau 4 năm rạn nứt quan hệ với những mâu thuẫn và bất đồng dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.

EU cho biết sẽ áp dụng lệnh trừng phạt cấm đi lại và đóng băng tài sản với 4 quan chức Trung Quốc là những người giữ các chức vụ lãnh đạo tại vùng Tân Cương và một công ty xây dựng tại Tân Cương. Bộ Ngoại giao Trung Quốc không công bố chi tiết các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức châu Âu. Các biện pháp trừng phạt mà Trung Quốc thường áp dụng đối với các quan chức nước ngoài là cấm đi lại tới Trung Quốc lục địa, Hong Kong, Macau và cấm các công ty liên quan đến những nhân vật này làm ăn tại Trung Quốc.

Động thái của châu Âu diễn ra sau khi có nhiều lời chỉ trích về các hành vi thương mại và cách xử lý mạnh tay của Trung Quốc trong vấn đề Tân Cương, Hong Kong. Giới phân tích cho rằng, tác động của các biện pháp trừng phạt không đáng kể nhưng thái độ cứng rắn của phương Tây là một bước lùi về mặt ngoại giao đối với Bắc Kinh. Nhìn rộng hơn, điều này phản ánh sự suy giảm trong quan hệ của Trung Quốc với phương Tây và các nước láng giềng châu Á, trong đó có cả Ấn Độ khi chính phủ Trung Quốc theo đuổi các chính sách về chiến lược và thương mại ngày càng quyết đoán hơn.

Trung Quốc “vỡ mộng” trong quan hệ với EU

Các thỏa thuận thương mại của Trung Quốc với châu Âu từng được coi là điểm sáng trong bối cảnh Bắc Kinh phải xoay vần giữa cơn bão ngoại giao liên quan đến vấn đề Hong Kong, Biển Đông, đối mặt với cáo thực hiện hành vi gián điệp và đánh cắp công nghệ. Quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ cũng leo thang căng thẳng sau cuộc đụng độ tại khu vực biên giới tranh chấp giữa hai nước trên dãy Himalaya. Trung Quốc đã cấm hầu hất các mặt hàng nhập khẩu từ Australia sau khi chính phủ nước này kêu gọi điều tra về nguồn gốc đại dịch Covid-19.

Về phần mình, các nhà lãnh đạo của EU, trong đó có Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bác bỏ lời kêu gọi của cựu Tổng thống Trump tham gia cuộc chiến thuế quan với Trung Quốc vào năm 2017. Vào tháng 12/2020, Trung Quốc và châu Âu đã đã ký kết Thỏa thuận đầu tư toàn diện EU - Trung Quốc (CAI) bất chấp sự phản đối của Mỹ và những lời chỉ trích liên quan đến việc Trung Quốc thắt chặt kiểm soát đối với đặc khu hành chính Hong Kong. Nhiều ý kiến cho rằng, thỏa thuận này giống như một cú “vỗ mặt” đối với Mỹ và là dấu hiệu cho thấy các vấn đề chính trị bị gạt ra ngoài hoạt động thương mại.

Đã có những lời phàn nàn về việc châu Âu đang dần cắt đứt quan hệ đồng minh với Mỹ khi trao cho Trung Quốc một chiến thắng về mặt ngoại giao. Nhiều nhân vật cứng rắn với Bắc Kinh đã kêu gọi các nhà lãnh đạo châu Âu từ bỏ thỏa thuận CAI.

Châu Âu được cho là đã hoan nghênh các hoạt động đầu tư của Trung Quốc sau khi Mỹ từ chối tham gia nhiều thỏa thuận được đề xuất với lý do lo ngại về mặt an ninh. Trung Quốc đã chi hàng tỷ USD để mua lại nhà sản xuất robot Kuka của Đức, tập đoàn nông nghiệp khổng lồ Syngenta của Thụy Sỹ và nhiều tài sản quan trọng khác trong lĩnh vực công nghiệp.

Tuy vậy, giai đoạn nồng ấm trong quan hệ giữa châu Âu với Trung Quốc đã thay đổi sau khi xuất hiện những lời cảnh báo về việc châu Âu đang đánh mất các công nghệ quan trọng trong khi đó Trung Quốc lại hạn chế cho phép nước ngoài tiếp cận các tài sản của nước này. Anh, Đức và nhiều lãnh đạo khác của EU đã đưa ra lời cảnh tỉnh trước các hoạt động thâu tóm của các công ty Trung Quốc.

Các nỗ lực của EU nhằm xây dựng một chính sách chung đối với Trung Quốc rất phức tạp do những mâu thuẫn và xung đột lợi ích giữa các nước thành viên trong khối. Đức và Pháp đã bày tỏ sự không hài lòng khi vì cho rằng Bắc Kinh có thể đang cố gắng chia rẽ khối với việc xích lại gần hơn các nước thành viên nghèo hơn ở Đông và Trung Âu. Tại Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến Trung Quốc và các nước Trung và Đông Âu (CEEC) tháng 2 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết tăng cường hợp tác về thương mại và vaccine ngừa Covid-19 với các quốc gia này.

Ngoài việc cảnh giác các hoạt động đầu tư của Trung Quốc, chính phủ các nước châu Âu cũng tăng cường tham gia vào nỗ lực thách thức các yêu sách hàng hải phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông qua việc điều tàu chiến đến khu vực để thực hiện “hoạt động tự do hàng hải”./.

Nguồn: VOV.VN




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC