Những người đàn ông không biết trân trọng tình cảm cuối cùng sẽ chẳng có kết cục tốt đẹp trong hôn nhân. Đôi khi, chính vì sự liều mình theo đam mê tình ái của họ tạo nên bi kịch cuối cùng.
Bỏ vợ để cưới vợ bạn vì tình nghĩa
Tưởng Mộng Lân là hiệu trưởng tại vị lâu nhất của trường Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc). Ông sinh ra tại Chiết Giang và là một học sinh cực kỳ tài năng hồi còn đi học.
Sau này lớn lên, ông đã sang học đến 3 trường đại học tại Mỹ. Trước khi đi Mỹ, họ Tưởng kết hôn cùng Tôn Ngọc Thư - một cô gái cùng quê. Cặp đôi là kết quả của hôn nhân sắp đặt nên tình cảm dành cho nhau cũng chẳng có bao nhiêu. Sau đó, Tôn Ngọc Thư sinh một con trai và một con gái cho chồng. Tuy nhiên bé gái mất sớm vì bệnh.
Sau 9 năm học tập ở Mỹ, Tưởng Mộng Lân quay về và họ có tiếp 3 người con. Cặp đôi có một thời gian sống khá êm ả khi Tôn Ngọc Thư rất chung thủy và biết lo toan cho gia đình. Tuy nhiên, kể từ khi Tưởng Mộng Lân gặp Đào Tăng Lộc thì cuộc sống của họ có nhiều biến động.
Đào Tăng Lộc chính là vợ người bạn thân tên là Cao Nhân Sơn của Tưởng Mộng Lân. Họ Cao cũng là giáo sư ở Đại học Bắc Kinh. Năm 1928, người bạn đó qua đời, Đào Tăng Lộc phải trải qua cuộc sống khá khó khăn và được họ Tưởng giúp đỡ rất nhiều. Sau này, ông còn sắp xếp cho bà trở thành thư ký của mình. Tình cảm giữa hai bên nảy nở từ những gắn bó đó.
Tưởng Mộng Lân quyết định kết hôn với Đào Tăng Lộc. Việc đầu tiên ông làm là ly hôn với người vợ Tôn Ngọc Thư.
Năm 1933, hai vợ chồng chính thức ly hôn. Tất cả những điều này, Ngọc Thư hoàn toàn bị động và không được đưa ra tiếng nói của mình. Bà cũng không báo tin cho các con chuyện bố mẹ không còn bên nhau.
Tưởng Mộng Lân.
Tôn Ngọc Thư.
Sau đó, Tưởng Mộng Lân đã đăng tin ly hôn của họ trên báo. Đồng thời, ông cũng tuyên bố sẽ kết hôn với Đào Tăng Lộc. Người con trai thứ hai nhìn thấy vội vàng về nhà báo cho mẹ. Người phụ nữ thôn quê nhìn thấy rồi buồn bã đáp: "Cha con đã thay lòng đổi dạ rồi".
Khi đó, Tưởng Mộng Lân bù đắp cho vợ cũ bằng cách để bà ly hôn nhưng không phải rời khỏi nhà. Địa vị của Tôn Ngọc Thư ở nhà họ Tưởng vẫn như thế, bà vẫn làm con dâu phụng dưỡng cha của Tưởng Mộng Lân. Đồng thời ông vẫn tiếp tục chi tiền nuôi con và tiền học phí cho 4 đứa con. Bởi vì nhìn thấy không có gì thay đổi về cuộc sống nên Tôn Ngọc Thư đã kí giấy ly hôn.
Tưởng Mộng Lân và Đào Tăng Lộc.
Sau đó đám cưới của Tưởng Mộng Lân và Đào Tăng Lộc diễn ra. Tại hôn lễ, họ Tưởng còn thoải mái chia sẻ rằng mình kết hôn với góa phụ họ Đào vì tình nghĩa với bạn thân, muốn giúp bạn thân làm tròn bổn phận.
"Tôi yêu mến anh Cao nhất trong cuộc đời mình, vì vậy tôi sẵn sàng tiếp tục con đường học vấn của anh ấy. Vì tôi yêu anh Cao nên tôi càng yêu những người anh ấy yêu và yêu người phụ nữ này nhiều hơn. Chỉ có làm như thế này tôi mới xứng với người bạn đã khuất của mình", đây chính là lời mà họ Tưởng phát biểu. Tất cả khách khứa nghe xong đều thấy hỗn loạn trong lòng.
Tuy vậy người vợ mới này lại mang đến cho Tưởng Mộng Lân không ít rắc rối. Bà sống xa hoa khiến cho nhiều người bức xúc vì tình hình chung xã hội thời đó còn nhiều khó khăn. Người phụ nữ này cũng thích dựa hơi chồng, ra lệnh cho những nhân viên khác ở trường khiến họ vô cùng bức xúc.
Năm 1944, các giáo sư hàng đầu cùng nhiều sinh viên Bắc Kinh đã kêu gọi Tưởng Mộng Lân từ chức. Sau đó 1 năm, vị Hiệu trưởng này đã từ chức ở Đại học Bắc Kinh.
Năm 1957, Đào Tăng Lộc qua đời vì bạo bệnh. Trước khi mất, bà nhiều lần thổ lộ rằng chồng mình có sức khỏe tốt và ham muốn "giường chiếu" mạnh mẽ, sau khi mình mất thì hãy mai mối vợ mới cho ông.
Nhiều người họ hàng mai mối nhưng lúc này Tưởng Mộng Lân đã 72 tuổi nên từ chối nhiều lần. Thời điểm này, con gái và con rể của ông đã đến sống cùng nhà để chăm sóc cho cha.
Tuy nhiên, một cuộc gặp gỡ vào năm 1959 đã thay đổi tất cả. Khi đó, Tưởng Mộng Lân có tham gia một bữa tiệc và người phụ nữ tên Từ Hiền Lạc lọt vào mắt xanh của ông.
Cuộc hôn nhân bất chấp và cái kết "chí mạng"
Khi đó, Từ Hiền Lạc đã 52 tuổi nhưng vẫn có nhan sắc khiến cho Tưởng Mộng Lân rung động. Hiền Lạc sinh ra trong một gia đình nổi tiếng với ông cố làm nhà khoa học, các anh chị em đều tốt nghiệp trường Đại học danh tiếng. Bản thân bà cũng là hoa khôi khi còn học ở Đại học Quảng Hoa Thượng Hải.
Sau buổi gặp đầu tiên đó, Tưởng Mộng Lân đã gọi điện cho bà mối để khen ngợi Từ Hiền Lạc: "Cô Từ thật tốt bụng, tính tính dịu dàng, đặc biệt là phong thái rất tốt".
Từ Hiền Lạc.
Ngay sau đó, người đàn ông này như sa vào lưới tình của Từ Hiền Lạc và liên tục viết thư tình. Trong lá thư đầu tiên, ông thổ lộ: "Trong số những người phụ nữ tôi từng gặp, cô là người chạm đến trái tim tôi nhiều nhất".
Tuy nhiên danh tiếng của Hiền Lạc không được tốt. Vì có bề ngoài xinh đẹp nên bà có nhiều người theo đuổi. Tuy nhiên, những mối quan hệ của bà đều kết thúc với rắc rối liên quan đến tiền bạc. Bà từng kết hôn nhưng ly hôn chỉ sau đó 7 tháng.
Tưởng Mộng Lân "tấn công" Từ Hiền Lạc nhiều lần và nhận được lời đồng ý. Thời gian sau, họ tính đến chuyện kết hôn. Thế nhưng bạn bè của ông đều phản đối rất nhiều, đặc biệt là Hồ Thích - một hiệu trưởng khác của Đại học Bắc Kinh.
Hồ Thích thậm chí viết cả bức thư dài để can ngăn. Họ Hồ ghi ra cả những vụ lùm xùm tiền bạc của Từ Hiền Lạc để ngăn cản Tưởng Mộng Lân tính chuyện kết hôn. Tuy nhiên, người đàn ông này không hề đề vào tai.
Một mặt, ông thông báo với Hồ Thích đám cưới đã bị hủy bỏ. Mặt khác, ông âm thầm tổ chức hôn lễ tại nhà riêng ở Đài Bắc.
Tuy nhiên, ngay sau hôn lễ, ông đã phát hiện ra rằng bản thân dường như bị lừa. Vào đêm tân hôn, Từ Hiền Lạc yêu cầu Tưởng Mộng Lân đưa cho mình danh sách cổ phiếu cũng như sổ tiết kiệm của chồng.
Sau đó, bà dần dần chiếm quyền tài chính của nhà và Hiệp hội nơi Tưởng Mộng Lân làm quản lý. Thậm chí, người mẹ kế này còn đẩy con gái và con rể của chồng ra ngoài. Mọi chuyện còn lên đến đỉnh điểm hơn khi Từ Hiền Lạc bỏ đói chồng khiến ông phải đến ăn nhờ nhà một người bạn.
Từ Hiền Lạc sau này.
Tháng 12/1962, Tưởng Mộng Lân bị gãy chân. Trong thời gian ông nằm viện, Từ Hiền Lạc không chăm sóc mà vui vẻ tham gia tiệc khiêu vũ bên ngoài. Bà còn lên kế hoạch bảo chồng đổi chỗ ở để tiết kiệm tiền nhưng lợi dụng chuyển hết tài sản của chồng đi và chiếm luôn bất động sản.
Cặp đôi đã trải qua hàng loạt vụ kiện tụng phơi bày trên mặt báo tố cáo nhau dối trá. Tưởng Mộng Lân đòi ly hôn vì quá khổ sở, bày tỏ sự hối hận vì không nghe lời khuyên của bạn mình.
Ngay lập tức, Từ Hiền Lạc cũng đăng báo để đáp trả rằng chính Tưởng Mộng Lân chuyển nhượng tất cả từ sổ ngân hàng, cổ phiếu và đất đai cho mình:
"Tất cả những gì của anh đều thuộc về tôi vì vậy những gì tôi làm hôm nay đều là những gì anh muốn chứ còn sao nữa".
Tưởng Mộng Lân kể chuyện nhà với báo giới.
Cuối cùng, đến tháng 1/1964, vụ ly hôn mới ngã ngũ. Tưởng Mộng Lân phải trả 500 nghìn NDT (hơn 1,7 tỷ đồng) tiền cấp dưỡng để lấy lại tự do nhưng cũng rơi vào tình trạng kiệt quệ kinh tế và cả tinh thần. Ngày 29/6 năm đó, ông qua đời vì căn bệnh ung thư gan.
Từ Hiền Lạc đã chiếm được gần như toàn bộ tài sản của chồng trong cuộc chiến ly hôn này và sống trong giàu có, sung sướng cho đến khi qua đời ở tuổi 98 vào năm 2006.
Tưởng Mộng Lân đa tình, không chung thủy, không coi trọng tình cảm, vô trách nhiệm với chính gia đình đã phải trả cái giá quá đắt vì sự mù quáng của mình.
Theo Pháp luật và bạn đọc