Các thương nhân Pakistan đốt cờ Pháp trong cuộc biểu tình hôm thứ 26/10. Ảnh AP
Lửa giận dữ bùng cháy
Vấn đề tôn giáo sắc tộc giữa thế giới Hồi giáo và phương Tây luôn là chủ đề nhạy cảm, nhất là trong những năm gần đây khi Hồi giáo cực đoan là một trong những vấn đề đe dọa an ninh các nước châu Âu. Ngọn lửa giận dữ bùng cháy khắp thế giới Hồi giáo sau tuyên bố của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron rằng “sẽ tiếp tục bảo vệ quyền được vẽ các tranh biếm họa Mohamed”.
Nguồn cơn của sự việc bắt đầu hồi trung tuần tháng 10, giáo viên trung học Pháp Samuel Paty bị một người gốc Chechnya chặt đầu vì cho học sinh xem những bức tranh biếm họa nhà tiên tri Mohammed trong tiết học về quyền tự do bày tỏ. Đáp lại, chính phủ Pháp đã biến Paty thành một anh hùng tự do ngôn luận. Tổng thống Macron khẳng định Pháp “sẽ tiếp tục cuộc chiến vì tự do” và “tăng cường” các nỗ lực nhằm chấm dứt chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan ở nước này.
Một phần của chiến dịch đó là tạo ra một “Đạo Hồi của Pháp”, như ông đã nói trong nhiều năm, nhằm mục đích hòa nhập người Hồi giáo vào xã hội Pháp. Macron nói rằng những kẻ cực đoan đang cản trở sự hội nhập đó và chính phủ của ông đã bắt đầu thực hiện các cuộc truy quét, trục xuất và ra lệnh giải tán một số nhóm Hồi giáo nhất định. Các nhà chức trách cũng không ngăn cấm hình ảnh của các tranh biếm họa nhà tiên tri được chiếu lên các tòa nhà Chính phủ Pháp trong lễ tưởng niệm quốc gia.
Cuộc chiến ngoại giao ngôn từ cũng nhanh chóng lan sang hành động thực tế của người dân.
Tuy nhiên, đối với hàng nghìn người Hồi giáo trên toàn thế giới, họ cho rằng nước Pháp đang chống lại một tôn giáo và lên tiếng chống lại điều đó. Các tổ chức và chính phủ nhiều nước Trung Đông chỉ trích phát biểu của ông Macron làm lây lan tâm lý thù hận giữa các dân tộc. Cuộc chiến ngoại giao ngôn từ cũng nhanh chóng lan sang hành động thực tế của người dân. Kể từ ngày 25/10, các sản phẩm của Pháp trên kệ hàng tại nhiều siêu thị ở Jordan, Qatar và Kuwait bị dỡ xuống. Một số mặt hàng như thuốc chăm sóc tóc, đồ mỹ phẩm có xuất xứ từ Pháp cũng biến khỏi các gian trưng bày.
Có thể thấy, thông điệp của thế giới Hồi giáo đã rõ ràng: Nếu một quốc gia cho phép xuất bản những tranh biếm họa về nhà tiên tri Mohamed nước đó sẽ phải gánh chịu tác động kinh tế lớn. Nhưng thông điệp như vậy được tiếp nhận đến đâu và kết quả như thế nào còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó các chuyên gia đều tin rằng, đây chỉ là những sự việc cảm tính nhất thời, sẽ nhanh chóng qua đi.
Thông điệp của nước Pháp
Tuyên bố mới nhất của Tổng thống Pháp Macron có lẽ không phải lý do duy nhất gây ra sự phẫn nộ của thế giới Hồi giáo. Cách đây hơn 3 tuần, ngay trước khi diễn ra vụ khủng bố đối với thầy giáo Samuel Paty, Tổng thống Pháp Macron đã có một bài diễn văn quan trọng để trình bày chính sách mới của nước Pháp để chống lại điều mà ông Macron gọi là “chủ nghĩa ly khai”. “Những gì chúng ta phải tấn công là chủ nghĩa ly khai Hồi giáo”, ông Macron nhấn mạnh.
Tổng thống Emmanuel Macron nói “chúng tôi biết những gì cần phải làm” sau cuộc họp với một đơn vị đối phó với chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan ở ngoại ô Đông Bắc Paris. Ảnh: Reuters
Cùng với khẳng định này, ông Macron cũng đưa ra các biện pháp rất cụ thể, như việc chấm dứt tình trạng các thầy tu Hồi giáo được đào tạo từ nước ngoài, đặc biệt từ các nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Maroc, Algeria,… sau đó mới gửi sang các nhà thờ Hồi giáo tại Pháp. Ông Macron cho rằng điều này khiến nước Pháp không kiểm soát được các nội dung giáo lý mà các thầy tu này truyền dạy và nhiều người trong số đó tuyên truyền các tư tưởng hận thù, đi ngược lại các giá trị của nền Cộng hòa Pháp. Biện pháp đáng chú ý thứ hai là siết chặt việc kiểm soát tài chính của các cơ sở tôn giáo, đặc biệt là của Hồi giáo, nhằm tránh việc các thế lực nước ngoài thao túng các cơ sở này.
Việc Tổng thống Pháp Macron đưa ra chính sách này có hai lý do chính. Thứ nhất, từ lâu vấn đề Hồi giáo cực đoan đã là một trong các lo ngại an ninh lớn nhất đối với Pháp, đe dọa phá vỡ các nền tảng xã hội Pháp ngay từ bên trong. Chính vì thế, trong khoảng 2 thập kỷ qua Tổng thống nào của Pháp cũng sẽ phải xử lý thách thức này. Việc ông Macron sau hơn 3 năm cầm quyền mới đưa ra chính sách mới thậm chí bị xem là quá muộn.
Nguyên nhân thứ hai, rất quan trọng, đó là cuộc bầu cử Tổng thống Pháp 2022 đang đến rất gần và chủ đề Hồi giáo cực đoan chắc chắn sẽ là một trong những chủ đề được cử tri Pháp quan tâm nhất. Đây là lại là thế mạnh của các đảng cánh hữu, đặc biệt là của đảng cực hữu “Tập hợp quốc gia” của bà Marine Le Pen. Do đó, ông Macron buộc phải chứng minh là chính quyền của ông cũng có đủ sự cứng rắn để đối phó với thách thức an ninh này, nhằm tập hợp cử tri cho các cuộc bầu cử sắp diễn ra.
Quan điểm của Pháp dù có mục đích gì cũng đang nhận được sự ủng hộ của các nước châu Âu, trong đó có Đức - nước giữ vai trò chủ tịch luân phiên EU.
Các sản phẩm của Pháp đang bị loại khỏi các kệ hàng tại một khu chợ tại thành phố Kuwait, Kuwait vào ngày 24/10. Ảnh: Anadolu
Cơ hội cho những nhà lãnh đạo Hồi giáo
Không chỉ nhà lãnh đạo Pháp đang tận dụng câu chuyện về sắc tộc và tôn giáo vào mục đích chính trị, chính trị gia ở một số quốc gia Hồi giáo dường như cũng không bỏ qua dịp này trong việc củng cố khả năng nắm quyền. Thủ tướng Pakistan Imran Khan hôm Chủ nhật đã đăng trên Twitter chỉ trích các hành động và tuyên bố của Tổng thống Pháp “chắc chắn dẫn đến cực đoan hóa”.
Cho đến nay, Pakistan là một trong số các quốc gia kêu gọi tẩy chay hàng hóa Pháp mạnh mẽ nhất. Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan thậm chí còn đi xa hơn khi nói trong một bài phát biểu trên truyền hình rằng các sản phẩm của Pháp nên bị tẩy chay vì người Hồi giáo ở Pháp đã phải chịu “một tấn công như chiến dịch chống lại người Do Thái ở châu Âu trước Thế chiến thứ hai”.
Theo các nhà quan sát, trong chiến dịch tẩy chay hàng hóa Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ có vai trò chính và “mượn cớ” này để gây áp lực với Paris khi hai bên đang mâu thuẫn liên quan tới xung đột ở Syria và Libya, các cuộc đụng độ Armenia-Azerbaijan và hồ sơ thăm dò khí đốt ở phía đông Địa Trung Hải. Cần lưu ý rằng Pháp là nước xuất khẩu lớn thứ mười sang Thổ Nhĩ Kỳ và là thị trường lớn thứ 7 cho hàng xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ.
Mobashra Tazamal, một nhà nghiên cứu về Hồi giáo, cho biết: “Tôi không nghĩ họ cố tình đẩy căng thẳng, nhưng họ chắc chắn đang tận dụng thời điểm này vì lợi ích của riêng mình”.
“Những nhà lãnh đạo này thường thể hiện mình là người bảo vệ đạo Hồi và người Hồi giáo và những tuyên bố phản đối Pháp sẽ giúp họ lấy lòng người dân ở quê nhà”.
Mobashra Tazamal, một nhà nghiên cứu về Hồi giáo
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan phát biểu trên truyền hình rằng các sản phẩm của Pháp nên bị tẩy chay. Ảnh: Reuters
Trước mắt, mối quan hệ giữa Pháp với các quốc gia Hồi giáo vì thế có thể bị “đẩy căng” trên lĩnh vực ngoại giao và kinh tế nhưng khó biến thành một cuộc đối đầu rộng lớn hơn. Tuy nhiên, xét về lâu dài, xung đột này sẽ rất khó giải quyết, thậm chí là nan giải vì đó là xung đột về giá trị giữa 2 xã hội có các nền tảng về văn hóa và tôn giáo khác nhau.
Người Hồi giáo có quyền tức giận khi Tổng thống Pháp Macron nhất định lấy việc châm biếm hình ảnh Nhà Tiên tri Mohammed như một biểu tượng cho tự do ngôn luận phương Tây.
Ở chiều kia, người Pháp và phương Tây cũng có quyền cho rằng tự do ngôn luận, tự do tôn giáo-phi tôn giáo của họ là cao nhất. Vấn đề nan giải ở đây đó là 2 xã hội này không tách biệt mà lại xâm nhập vào nhau, các cộng đồng Hồi giáo đang ngày càng phát triển ở Pháp và các nước phương Tây.
Họ sẽ buộc phải lựa chọn, giữa việc xếp tín ngưỡng, niềm tin tôn giáo của mình bên dưới các giá trị chung của xã hội mà họ đang sống. Nếu không bất cứ “đốm lửa” nào nhen nhóm cũng có thể bùng phát thành đám cháy lớn đe dọa mối quan hệ giữa phương Tây và thế giới Hồi giáo.
Nguồn: Lâm Vy/ baonghean.vn