Ricin có trong thư gửi đến Trump là chất kịch độc được chiết xuất từ hạt thầu dầu, có thể khiến nạn nhân tử vong trong 36 - 72 giờ.

Giới chức Mỹ đầu tuần trước phát hiện phong bì được gửi tới trung tâm xử lý thư tín Nhà Trắng chứa chất độc ricin. Bức thư đề tên người nhận là Tổng thống Donald Trump. Mỹ sau đó bắt nữ nghi phạm khi người này đang tìm cách nhập cảnh từ Canada vào Mỹ.

Ricin là chất tự nhiên trong hạt của cây thầu dầu, xuất hiện trong phế phẩm khi điều chế hạt thầu dầu thành dầu thầu dầu. Dầu thầu dầu và các dẫn xuất của nó được sử dụng an toàn trong sản xuất phụ gia thực phẩm, xà phòng, sơn, thuốc nhuộm, chất phủ, mực, nhựa chịu lạnh, sáp chất đánh bóng, nylon, dược phẩm và nước hoa.

 

42 1 Chat Doc Khong Thuoc Giai Trong Thu Gui Trump

Một người cầm vốc hạt thầu dầu tại Đức năm 2018. Ảnh: AFP.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết khả năng vô tình phơi nhiễm ricin là rất hiếm, trừ khi ăn phải hạt thầu dầu, còn việc điều chế ricin để làm người khác ngộ độc là "hành động có chủ đích". Ricin có thể tồn tại ở dạng bột hoặc viên nén, hoặc có thể được hòa tan trong nước hay axit yếu.

Lượng ricin tương đương một hạt muối cũng có thể gây tử vong cho con người trong 36 đến 72 giờ sau khi tiếp xúc, nếu nạn nhân nuốt, hít phải hoặc bị tiêm. Nó không có khả năng hấp thụ qua da, nhưng có thể gây đau đớn và sưng đỏ nếu tiếp xúc với da và mắt.

"Ricin là chất kịch độc. Nó xâm nhập vào bên trong các tế bào của cơ thể con người và ngăn chặn tế bào tạo ra protein cần thiết", theo CDC. "Nếu không có protein, các tế bào sẽ chết. Cuối cùng, điều này gây hại cho toàn bộ cơ thể và có thể gây tử vong".

Theo tổ chức phi lợi nhuận về y tế Mayo Clinic, nạn nhân ngộ độc ricin có triệu chứng khác nhau, tùy thuộc vào việc họ nuốt hay hít phải chất độc. Khi nuốt phải, nó có thể gây tổn thương nội tạng và chảy máu đường ruột. Khi hít vào sẽ gây ra các vấn đề về hô hấp. Chất độc còn có thể được sử dụng như một loại vũ khí hóa học trong chiến tranh.

Hiện chưa có thuốc giải cho ricin. Cách điều trị cho nạn nhân ngộ độc là chăm sóc y tế kịp thời để giảm thiểu tác động, bao gồm giúp nạn nhân thở, truyền dịch và thuốc vào tĩnh mạch để điều trị co giật và huyết áp thấp.

Năm 1978, Georgi Markov, nhà văn kiêm nhà báo người Bulgaria sống ở London, chết sau khi bị một người đàn ông cầm ô tấn công. Đây không phải chiếc ô bình thường, nó đã được thiết kế để chứa một ống tiêm siêu nhỏ, tiêm ricin vào bắp đùi sau của Markov.

Vào những năm 1940, quân đội Mỹ đã thử nghiệm sử dụng ricin như một vũ khí hóa học. Một số báo cáo nói rằng ricin có thể đã được sử dụng như vũ khí hóa học trong những năm 1980 ở Iraq và bởi các tổ chức khủng bố gần đây, theo CDC.

Ricin trở nên nổi tiếng trong văn hóa đại chúng khi một nhân vật trong phim truyền hình Mỹ "Breaking Bad" âm mưu dùng nó để giết một nhân vật chính.

Mỹ coi việc thu thập ricin là hành vi bất hợp pháp từ tháng 7/2019. Trước đó, giới chức Mỹ cũng đã truy tố một số cá nhân sở hữu chất độc này. "Vì nó có thể được sử dụng như vũ khí hủy diệt hàng loạt và không có thuốc giải, bất kỳ nỗ lực thu mua chất chết người này đều là vấn đề cực kỳ nghiêm trọng đòi hỏi phản ứng mạnh mẽ", luật sư Mỹ Nick Hanna nói năm 2019, khi một người đàn ông ở California nhận tội cố gắng mua ricin.

Một số người đã sử dụng ricin trong các âm mưu nhắm vào Tổng thống Trump và các quan chức khác. Năm 2018, một cựu binh ở Utah bị truy tố với tội danh gửi thư đe dọa và đe dọa sử dụng chất độc sinh học làm vũ khí, sau khi anh ta gửi cho Trump, Bộ trưởng Quốc phòng, Giám đốc FBI, Giám đốc CIA và các quan chức khác thư chứa hạt thầu dầu.

Năm 2013, James Everett Dutschke, thầy dạy võ 42 tuổi, gửi hai lá thư tẩm ricin đến tổng thống Barack Obama. Ông này bị bắt và lĩnh án 25 năm tù.

Amesh Adalia, học giả tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins, nói rằng việc không có thuốc giải độc là "lý do một số tội phạm khủng bố sinh học tìm đến ricin". "Chất dễ dàng bị vô hiệu hóa không hấp dẫn với những kẻ cố gắng dùng chúng để đầu độc người khác", bà nói.

 

Phương Vũ (Theo USA Today/CTV)

Nguồn: vnexpress.net




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC