Người dân xếp hàng chờ nhận trợ giúp từ một ngân hàng lương thực ở quận Brooklyn, New York, Mỹ ngày 25-9 - Ảnh: REUTERS
Nghiên cứu trên được đăng trên tạp chí khoa học uy tín The Lancet ngày 25-9. Cụ thể, Đài CNN dẫn lại nghiên cứu cho biết chỉ xấp xỉ 9,3% người dân ở Mỹ có kháng thể với virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh COVID-19 tính tới cuối tháng 7 năm nay. Từng khu vực có tỉ lệ khác nhau, chẳng hạn phía tây có 3,5% và tây bắc có 27%.
Các nhà nghiên cứu - dẫn đầu là bác sĩ Shuchi Anand đến từ Đại học Stanford - đã phân tích các mẫu huyết tương từ hơn 28.500 bệnh nhân hồi tháng 7 tại xấp xỉ 1.300 cơ sở ở 46 tiểu bang của Mỹ.
"Nghiên cứu này rõ ràng đã xác nhận một điều: Dù tỉ lệ mắc COVID-19 ở Mỹ cao, số người có kháng thể vẫn còn thấp và chúng ta vẫn chưa tiến gần tới việc đạt được miễn dịch cộng đồng.
Từ đây cho đến lúc một vắc xin ngừa COVID-19 hiệu quả được phê duyệt, chúng ta cần đảm bảo rằng các nhóm dân số dễ chịu thương tổn hơn của chúng ta được tiếp cận những biện pháp phòng bệnh" - bác sĩ Julie Parsonnet, tác giả nghiên cứu và là giáo sư y tại Đại học Stanford, đánh giá.
Nghiên cứu đã đưa ra một kết quả tương tự đánh giá của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ. Hồi cuối tháng 6, giám đốc CDC Robert Redfield ước tính từ 5 - 8% dân số Mỹ đã mắc COVID-19. Tuần này, ông Robert Redfield nói với Quốc hội Mỹ rằng ông vẫn còn tin hơn 90% dân số Mỹ dễ mắc COVID-19.
Theo tạp chí US News, nghiên cứu mới còn củng cố những nghiên cứu trước đây cho rằng các nhóm thiểu số bị đại dịch ảnh hưởng nặng hơn. Họ phát hiện rằng những người dân sống tại các vùng có chủ yếu người da màu có khả năng mắc COVID-19 nhiều hơn từ 2 tới 4 lần so với những người da trắng.
Stephen Morse, một nhà dịch tễ học đến từ Đại học Columbia, nói rằng nghiên cứu trên có đóng góp quan trọng giữa thời điểm không có nhiều thông tin về những ai đã mắc COVID-19 ở Mỹ. "Sự thật đáng buồn là chúng ta không có dữ liệu quốc gia đáng tin" - ông Stephen Morse bình luận với báo USA Today.
Theo cập nhật của trang Worldometers chiều 26-9, hiện Mỹ là quốc gia dẫn đầu thế giới về số ca nhiễm (7,2 triệu) và số ca tử vong (208.000). Ấn Độ đứng thứ hai với 5,9 triệu ca nhiễm, còn Brazil đứng thứ ba với 4,6 triệu ca nhiễm.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online