Năm nay, dịch Covid-19 đã làm xáo trộn toàn bộ chương trình sinh hoạt dự trù trong hai ngày 19/09 và 20/09/2020.
Năm nay, dịch Covid-19 đã làm xáo trộn toàn bộ chương trình sinh hoạt dự trù trong hai ngày 19/09 và 20/09/2020.
Năm nay, dịch Covid-19 đã làm xáo trộn toàn bộ chương trình sinh hoạt dự trù trong hai ngày 19/09 và 20/09/2020.
Hàng năm, Ngày Di Sản Châu Âu thu hút từ 10 đến 12 lượt khách thăm viếng. Các di sản kiến trúc được người Pháp đặc biệt yêu chuộng vẫn là các cơ sở hành chính cấp quốc gia, chẳng hạn như Phủ Tổng Thống Élysée, Phủ Thủ Tướng Matignon, Trụ sở Quốc Hội Palais Bourbon ….. các dinh thự này chỉ mở cửa cho công chúng vào viếng thăm miễn phí trong hai ngày mà thôi. Thế nhưng năm nay, mãi đến giờ phút chót, Bộ Văn Hóa Pháp mới thông báo các công trình nào sẽ mở cửa toàn bộ hay chỉ hoạt động bán phần, đi kèm với các quy định đặc biệt cũng như các điều kiện tiếp đón công chúng.
Trước mắt, do số ca lây nhiễm virus cornona đang có chiều hướng tăng mạnh trở lại, cho nên nhiều thành phố đã đơn thuần thông báo hủy bỏ chương trình sinh hoạt trong khuôn khổ Ngày Di Sản Châu Âu lần thứ 37. Trong số các vùng đông dân cư, Nice ở miền Nam nước Pháp là thành phố đi đầu, kế theo sau là thành phố Bordeaux. Thành phố này chẳng những hủy bỏ hai Ngày Di Sản 19/09 và 20/09 mà còn cấm tụ họp (hơn 10 người) trên đường phố cũng như trong công viên. Các sinh hoạt lễ lạc dù là trong khuôn khổ gia đình như đám cưới, sinh nhật, họp mặt sinh viên, khiêu vũ ngoài trời, liên hoan buổi tối, quán nhạc vỉa hè hay uống rượu ngoài phố đều hoàn toàn bị cấm và việc đeo khẩu trang trở nên bắt buộc ở khắp nơi.
Trước các quy định nghiêm ngặt, việc duy trì Ngày Di Sản và như vậy để cho công chúng tụ họp, xếp hàng để vào thăm các công trình hoàn toàn phản tác dụng. Hai thành phố Marseille và Montpellier cũng vừa hủy bỏ sự kiện văn hóa này, trong bối cảnh các biện pháp phòng dịch ngày càng trở nên gắt gao. Thành phố Reims tạm thời đóng cửa các di sản văn hóa, kể cả tòa tháp chuông của Nhà Thờ Đức Bà Reims, một trong những kiệt tác của dòng kiến trúc gothic.
Theo danh sách của bộ Văn Hóa Pháp, hiện giờ vẫn có hơn 10.000 địa điểm đã công bố tham gia vào chương trình Ngày Di Sản Châu Âu năm nay, tức tương đương với hai phần ba so với năm ngoái. Trong năm 2019, 15.500 cơ sở và di sản đã mở cửa đón khách thăm viếng, giúp cho Ngày Di Sản Châu Âu lập kỷ lục với 12 triệu lượt khách chỉ trong hai ngày. Một số hội đồng thành phố chủ trương duy trì sự kiện, nhưng vào giờ chót lại không nhận được sự đồng thuận của tỉnh trưởng, vốn là người quyết định sau cùng.
Tùy cơ ứng biến ? Mỗi tỉnh thành dĩ nhiên thích nghi theo biến chuyển của tình hình tại chỗ, nhất là những địa phương đã đầu tư trong năm qua vào các chương trình phục hồi văn hóa hay trùng tu các di sản kiến trúc. Thế nhưng, một số tỉnh thành khác vẫn muốn nối bước 4 thành phố Nice, Bordeaux, Montpellier và Marseille, phần lớn cũng vì các hội đồng thành phố sẽ phải huy động thêm nhân sự để áp dụng tới nơi tới chốn các quy định giãn cách xã hội đối với lượng khách tham quan đặc biệt đông đảo trong hai ngày cuối tuần.
Về phía thủ đô Pháp, Paris vẫn quyết định duy trì chương trình Ngày Di Sản Châu Âu lần thứ 37 với hai điều kiện quan trọng, đó là khách tham quan tuyệt đối phải đăng ký trên mạng để đặt chỗ trước, đồng thời khách phải tuân thủ ‘‘lối tham quan một chiều’’ cũng như đeo khẩu trang trong suốt thời gian thăm viếng.
Để tạo thêm điều kiện thuận lợi cho việc tiếp đón công chúng, bộ Văn Hóa Pháp đã vạch sẵn một lộ trình tham quan khoảng hai tiếng rưỡi đồng hồ để lần lượt viếng thăm dinh thự đường Valois tức là trụ sở bộ Văn Hóa, Văn phòng của Hội Đồng Bảo Hiến và Đoàn Kịch Quốc Gia Comédie Française ….
Về phía các cơ quan nhà nước khác như Phủ Thủ Tướng Matignon, Tòa Quốc Hội Palais Bourbon, Tòa Đô Chính Paris, Tòa Thượng Viện tọa lạc trong khuôn viên vườn Luxembourg cũng như văn phòng chính của các bộ Nội Vụ, Giáo Dục, Nông Nghiệp đều có cùng quy định đặc biệt trong năm nay. Theo dự kiến, các chuyến viếng thăm bị hạn chế trong nửa tiếng đồng hồ, cứ 10 phút mới cho từng đợt khách tham quan vào bên trong, mỗi đợt là từ 10 người đến 15 người tối đa.
Tất cả các quy định nghiêm ngặt ấy hẳn chắc sẽ ‘‘tự động’’ hạn chế số lượng người tham gia vào chương trình sinh hoạt năm 2020. Dù vậy, một số công trình kiến trúc hay di sản văn hóa vẫn đắt khách, bất kể những điều kiện trong mùa dịch Covid-19, có khó khăn cách mấy. Bằng chứng là từ cả tuần trước Ngày Di Sản Châu Âu 2020, công chúng đã ồ ạt truy cập mạng để đặt chỗ trước, cho nên tất cả những ai muốn viếng thăm Điện Élysée, Điện Matignon, Marigny phòng tiếp khách của chính phủ hay Palais de l’Alma (trước đây là trụ sở Hội Đồng Thẩm Phán Cấp Cao), đều đành phải chờ cho tới năm sau.
Nguồn: RFI