Tổng thống Mỹ Joe Biden bất ngờ tiến hành một "cuộc đối đầu gay gắt" trên cả 2 mặt trận: Với Nga- kẻ thù của Mỹ từ thời Chiến tranh Lạnh và với Trung Quốc- đối thủ của Mỹ hiện nay. Phải chăng nhà lãnh đạo nước Mỹ đang liều lĩnh khi cùng lúc đối đầu với cả hai siêu cường?

Phong cách ngoại giao không khoan nhượng

Theo hãng tin AP, chính Tổng thống Joe Biden là người đã khơi mào cho vòng cáo buộc lẫn nhau mới đây nhất trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, khi đó ông đã tìm cách thể hiện rõ sự khác biệt giữa chính sách đối với Nga của ông so với chính sách của người tiền nhiệm Donald Trump- người bị cho là đã mềm mỏng với Putin.

Chỉ 24 giờ sau, nhà ngoại giao hàng đầu và cố vấn an ninh quốc gia của ông Biden đã thẳng thắn chỉ trích các quan chức Trung Quốc trong các cuộc hội đàm trực diện.

42 1 Cung Luc Gay Gat Voi Ca Nga Va Trung Quoc Ong Biden Dang Thuc Su Muon Gi

Hãng tin AFP đánh giá điều này thể hiện cách tiếp cận không khoan nhượng của Washington đối với cả Moscow và Bắc Kinh.

Các chuyên gia chắc chắn đã dự đoán về một cách tiếp cận mang tính truyền thống hơn đối với các hoạt động ngoại giao dưới thời chính quyền Biden- người đã có thời gian dài làm việc tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện và từng giữ chức Phó tổng thống.

Tuy nhiên, cho đến nay, đặc biệt là những ngày gần đây, phong cách táo bạo của ông Biden đã khiến một số người phải thay đổi quan điểm.

Theo AP, mặc dù những bình luận mạnh mẽ của ông Biden về ông Putin phản ánh sự thay đổi từ cách tiếp cận hòa giải thường thấy của Trump đối với Điện Kremlin, nhưng những lời chỉ trích gay gắt nhắm vào Trung Quốc của Ngoại trưởng Antony Blinken và Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan, theo nhiều cách, đã phản ánh sự tiếp nối đường lối cứng rắn của chính quyền trước đối với Bắc Kinh.

Những phong cách đối lập này cho thấy ông Biden đang có ý định đảo ngược việc Mỹ nhiều năm qua bị cho là yếu đuối trước Nga, đồng thời bác bỏ cáo buộc trong chiến dịch tranh cử năm 2020 của Trump rằng ông không đủ cứng rắn với Trung Quốc.

Khi đưa ra quan điểm mạnh mẽ về Nga, ông Biden đã nói rằng "khác so người tiền nhiệm của tôi, những ngày nước Mỹ chấp nhận các hành động hung hăng của Nga- can thiệp bầu cử Mỹ, tấn công mạng, đầu độc công dân của chính mình- đã kết thúc".

Và, trong cuộc phỏng vấn với đài ABC phát sóng hôm 17/3, khi được hỏi liệu ông có cho rằng Putin là "kẻ sát nhân" hay không, ông Biden đã đáp: "Tôi cho là như vậy".

Nga đã phản ứng bằng cách triệu hồi đại sứ của mình tại Washington để tham vấn về mối quan hệ với Mỹ. Tổng thống Putin sau đó đã đáp trả bằng cách chỉ ra lịch sử chế độ nô lệ của Mỹ, việc tàn sát người Mỹ bản địa và vụ ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản trong Thế chiến thứ hai.

Trong khi đó, vào ngày 18/3 tại Alaska, hai nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc đã phản ứng theo cách tương tự trước những lời chỉ trích của Ngoại trưởng Antony Blinken và Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan về vấn đề Tân Cương, Hong Kong, Đài Loan và Biển Đông.

Quan chức hàng đầu phụ trách chính sách đối ngoại của Trung Quốc, ông Dương Khiết Trì, và Ngoại trưởng Vương Nghị cáo buộc Mỹ "đạo đức giả" khi lên án Trung Quốc, trong khi bản thân phải vật lộn giải quyết các vấn đề nội bộ, bao gồm bạo lực chống lại người Mỹ gốc Á và những người da màu khác cũng như tình hình bất ổn chính trị sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.

42 2 Cung Luc Gay Gat Voi Ca Nga Va Trung Quoc Ong Biden Dang Thuc Su Muon Gi

Từ trái sang: Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban công tác ngoại sự Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì, và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. (Nguồn: DW)

Ông Blinken và Sullivan đã phản ứng dữ dội trước những bình luận đó và đáp lại rằng Mỹ không hoàn hảo nhưng đang tìm cách giải quyết những vấn đề như vậy một cách công khai và trung thực.

Thông điệp của ông Biden là gì?

Theo giới quan sát, qua những cuộc khẩu chiến với cả Trung Quốc và Nga, tân chủ nhân Nhà Trắng dường như muốn bắn đi ít nhất 3 thông điệp.

Thứ nhất, khi có những lời lẽ gay gắt với Nga và Trung Quốc, tân chính quyền Washington muốn cùng lúc đáp trả quan điểm chung của Moscow và Bắc Kinh, cho rằng Mỹ nói riêng và phương Tây nói chung đang hồi suy tàn.

Nhà nghiên cứu Maya Kandel- chuyên gia về Mỹ, thuộc trường Đại học Paris III-Sorbonne Nouvelle- trên kênh France 24 nhấn mạnh đến ý định đáp trả bằng một chiến lược “địa kinh tế” của Mỹ- mặt trận cạnh tranh chủ lực giữa hai siêu cường hàng đầu thế giới.

An ninh kinh tế giờ được xem như là một phần an ninh quốc gia. Chiến lược này phải được thực hiện ở 2 cấp độ: Tự chủ và vai trò hàng đầu các ngành công nghiệp Mỹ.

Từ chiến lược này, dẫn đến một thông điệp thứ hai của ông Biden: “Chính sách đối ngoại phục vụ cho đối nội”.

Cứng rắn với Trung Quốc, chủ nhân Nhà Trắng muốn trấn an những tầng lớp cử tri cánh hữu và một bộ phận cánh tả cũng như là nhiều nhà chiến lược đảng Dân chủ thường hay chỉ trích chủ nghĩa tân tự do đã tạo đà tiến cho Trung Quốc trên trường quốc tế, gây tổn hại cho việc làm của tầng lớp trung lưu trong các ngành công nghiệp Mỹ. Đây chính là lý do dẫn đến thắng lợi bầu cử của cựu Tổng thống Donald Trump.

Mặt khác, khi có lời lẽ gay gắt với ông Putin, nguyên thủ Mỹ khẳng định sẵn sàng đối đầu trực tiếp với Nga và như vậy hy vọng giải tỏa phần nào 3 áp lực mà ông đang đối mặt.

Theo giải thích của nhà chính trị học Marie-Christine Bonzom, chuyên gia về Mỹ, với trang mạng 20 Minutes, hai áp lực đầu tiên là đến từ các cơ quan tình báo và một bộ phận nghị sĩ đảng Cộng hòa, kêu gọi phải có những biện pháp cứng rắn với Nga, mà hồ sơ Dòng chảy phương Bắc 2 là một ví dụ điển hình.

Áp lực thứ ba đến từ đảng Dân chủ, những người chủ yếu gần gũi với cách suy nghĩ thời Clinton, và tân tổng thống Mỹ dường như đang nối lại đường hướng này. Theo đó, việc nỗ lực xích lại gần Nga chỉ là “vô ích”, rằng “Nga đã hoàn toàn ngả theo Trung Quốc” (theo như phân tích của nhà chính trị học Jean de Gliniasty, viện IRIS).

Cuối cùng, thái độ cứng rắn này của ông Biden còn nhằm bảo đảm với các đồng minh tại vùng châu Á-Thái Bình Dương như Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia, rằng đã qua rồi "thời chính sách hỗn loạn" của người tiền nhiệm Donald Trump trước những kẻ chuyên quyền ở Bắc Kinh và Moscow.

Nhìn chung, giới quan sát đều có cùng một nhận định đường hướng đối ngoại của ông Biden không khác gì mấy so với ông Donald Trump, có khác chăng là về mặt phương pháp.

Nỗ lực gắn kết với các đồng minh

Trên thực tế, Washington đã tìm cách điều chỉnh lại quan hệ Mỹ-Trung trong bối cảnh chính quyền Biden quyết tâm khắc phục những vấn đề ở trong nước, củng cố nền kinh tế Mỹ và cải thiện quan hệ với các đồng minh dân chủ ở châu Á như Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, vừa kết thúc chuyến công du tới Nhật Bản và Hàn Quốc cùng Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, đã nói rõ với người Trung Quốc rằng "Mỹ gắn kết chặt chẽ với các đồng minh của mình".

Ông nói với ông Dương Khiết Trì và Vương Nghị: "Tôi phải nói với các ngài rằng, những gì tôi nghe thấy rất khác với những gì các ngài đã mô tả. Tôi nghe thấy sự hài lòng sâu sắc rằng Mỹ đã trở lại, rằng chúng tôi đã tái gắn kết với các đồng minh và đối tác của mình. Tôi cũng nghe thấy mối quan ngại sâu sắc về một số hành động mà chính phủ của các ngài đã thực hiện".

Washington cũng thực hiện một nỗ lực tương tự với các đồng minh ở châu Âu để đối phó với Nga.

Ngoại trưởng Blinken sẽ tới Brussels vào ngày 22/3 để đàm phán với các quan chức của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU) nhằm sửa chữa những căng thẳng do chính sách ngoại giao chủ yếu chỉ mang tính giao dịch của cựu Tổng thống Trump gây ra.

Nhưng sự hăm dọa, đe dọa chiến tranh thương mại và các yêu cầu khắc nghiệt của cựu Tổng thống Trump về việc châu Âu phải trả nhiều tiền hơn cho quốc phòng của chính mình đã khiến nhiều người tức giận, đặc biệt là ở hai cường quốc lớn của châu Âu là Pháp và Đức.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết chuyến công du lần này nhằm mục đích nhấn mạnh quyết tâm "củng cố liên minh xuyên Đại Tây Dương của chính quyền Biden và củng cố mối quan hệ của chúng ta với các đồng minh thông qua NATO".

Mối quan hệ của Nga với Mỹ và EU đã rơi xuống mức thấp nhất thời hậu Chiến tranh Lạnh sau khi Moscow sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào năm 2014, can thiệp vào các cuộc bầu cử, thực hiện các cuộc tấn công mạng và gần đây nhất là việc bỏ tù lãnh đạo phe đối lập Alexei Navalny sau vụ việc ông này bị đầu độc mà ông cáo buộc Điện Kremlin đã làm.

Lê Na (theo AP/AFP)

Nguồn: baoquocte.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC