Chi tiêu của Điện Kremlin trong tháng 1/2023 tăng 59% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 3,12 nghìn tỷ Rúp, trong đó chủ yếu cho quốc phòng - Ảnh: Getty Images
Thâm hụt ngân sách của Nga trong tháng 1/2023 là 1,76 nghìn tỷ Rúp (tương đương 25 tỷ USD) trong bối cảnh Điện Kremlin gia tăng chi tiêu quốc phòng, trong khi doanh thu từ dầu khi của nước này bắt đầu bị ảnh hưởng bởi các biện pháp trừng phạt của phương Tây - tờ Financial Times dẫn số liệu từ Bộ Tài chính Nga ngày 6/2 cho biết.
Các số liệu chính thức này là dấu hiệu mới nhất về thiệt hại mà cuộc chiến tranh ở Ukraine đang tiếp tục gây ra cho nền kinh tế Nga sau gần một năm.
Theo Bộ Tài chính Nga, nguồn thu từ dầu khí của nước này trong tháng 1 đã giảm 46% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 426 tỷ Rúp (tương đương 6 tỷ USD), do giá dầu Urals - loại dầu thô xuất khẩu chính của Nga - và xuất khẩu khí đốt tự nhiên giảm. Dầu Urals của Nga đã phải giao dịch với mức giá thấp hơn đáng kể so với dầu Brent kể từ khi chiến tranh ở Ukraine nổ ra vào cuối tháng 2 năm ngoái.
Trong khi đó, chi tiêu của điện Kremlin trong tháng 1/2023 tăng 59% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 3,12 nghìn tỷ Rúp, trong đó chủ yếu cho quốc phòng.
Dữ liệu tài chính sơ bộ tháng 1 - tháng đầu tiên sau khi các nước phương Tây áp đặt giá trần Nga và lệnh cấm nhập khẩu một phần với dầu Nga từ tháng 12 năm ngoái - cho thấy thâm hụt ngân sách của Moscow đã chiếm khoảng 60% mức thâm thụt dự báo cho cả năm nay. Tuy vậy, Bộ Tài chính Nga khẳng định Chính phủ vẫn đang đi đúng hướng để đạt được các mục tiêu ngân sách trong năm 2023.
“Những con số này đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại, Nga tăng mạnh chi tiêu vào thời điểm nguồn thu giảm mạnh”, bà Natalia Lavrova, nhà kinh tế trưởng tại BCS Global Markets, nói. “Lần duy nhất chúng tôi chứng kiến điều tương tự là vào năm 2015, khi chi tiêu cho quốc phòng tăng mạnh. Nhưng điểm khác biệt lớn giữa năm 2015 và 2023 là vào thời điểm đó, các động lực của nguồn thu không giảm quá mạnh”.
Bộ Tài chính Nga cho biết, bên cạnh doanh thu từ dầu khí giảm, các nguồn thu khác cũng giảm 28% xuống còn 931 tỷ Rúp, bắt nguồn từ sụt giảm thu thuế giá trị gia tăng và thuế doanh nghiệp.
“Thu thuế của Nga từng ghi nhận sự sụt giảm tương tự trong đợt sóng dịch Covid-19 đầu tiên vào năm 2020, khi nước này áp đặt các biện pháp phong tỏa trên diện rộng”, bà Lavrova cho biết. “Rõ ràng các rủi ro về ngân sách của Moscow đang tăng lên, cả ở phía thu và chi”.
Với hơn một nửa nguồn thu đến từ dầu mỏ và khí đốt, Nga đã bù đắp cho những thiệt hại kinh tế do các biện pháp trừng phạt của phương Tây bằng cách tăng xuất khẩu dầu khí (với giá rẻ) cho các nước như Trung Quốc và Ấn Độ trong giai đoạn giá năng lượng tăng cao kỷ lục vào năm ngoái.
Nhưng việc “huy động nguồn lực kinh tế” của Chính phủ Nga để hỗ trợ cuộc chiến ở Ukraine đã khiến chi tiêu của Chính phủ tăng mạnh. Trong khi đó, các biện pháp trừng phạt buộc nước này phải bán dầu Urals với giá bình quân chỉ 49,48 USD/thùng trong tháng 12/2022, giảm 41% so với cùng kỳ năm trước và thấp hơn nhiều so với mức giả định 70 USD/thùng trong các kế hoạch ngân sách của Nga.
Những tác động tới tình hình tài chính quốc gia đang khiến Bộ Tài chính Nga phải quay sang tìm các phương án khác để bù đắp cho thâm hụt ngân sách đang ngày càng tăng lên. Tháng trước, Moscow đã bán một lượng Nhân dân tệ trị giá 38,5 tỷ Rúp và vàng từ Quỹ phúc lợi quốc gia. Đồng thời, Chính phủ Nga cũng có kế hoạch phát hành trái phiếu với tổng giá trị 800 tỷ Rúp trong quý đầu năm 2023. Đây là một phần trong kế hoạch tăng quy mô phát hành nợ nội địa từ 1,7 nghìn tỷ Rúp lên 2,5 nghìn tỷ Rúp trong năm nay.
Nguồn: VnEconomy