Khách hàng chờ mua sắm tại Kehl, biên giới Pháp và Đức. Ảnh: AFP/TTXVN
Phó Chủ tịch ECB Luis de Guindos khẳng định: “Chúng ta cần nỗ lực đánh bại virus mà không cần phải đóng cửa hoàn toàn kinh tế, bởi hậu quả đối với các hoạt động kinh tế là rất, rất lớn”. Ông Luis de Guindos cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải triển khai các gói kích thích tài chính dần từng bước theo tốc độ phục hồi kinh tế.
Tương tự, thành viên trong Hội đồng quản trị của ECB Yves Mersch cũng khuyến nghị các chính phủ cân nhắc khả năng mở rộng các biện pháp hỗ trợ bằng tài chính giữa lúc dịch bệnh COVID-19 hoành hành. Một ngày trước đó, ECB quyết định không thay đổi lãi suất chủ chốt và "đánh tiếng" rằng sẵn sàng tăng cường các biện pháp kích thích để ứng phó với đại dịch trong cuộc họp vào tháng 12 tới.
Trong khi đó, Ủy viên châu Âu phụ trách y tế và an toàn lương thực, bà Stella Kyriakides cho rằng các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) nên sẵn sàng áp đặt những biện pháp hạn chế hoạt động của người dân để cắt đứt chuỗi lây nhiễm của COVID-19 tại châu lục. Bà Kyriakides đưa ra quan điểm này trong bài phát biểu trước Hội nghị trực tuyến của các bộ trưởng y tế EU.
Mặc dù vậy, bà Kyriakides thừa nhận một số những biện pháp cần thiết để phòng dịch “gây khó chịu” và nhiều người tại châu Âu hiện không sẵn sàng tuân theo các lệnh hạn chế mới sau các lệnh phong tỏa vào mùa Xuân - thời điểm đỉnh dịch của làn sóng lây nhiễm thứ nhất.
Trong tuần này, hai nước Pháp và Đức đã thông báo các biện pháp mới để phòng chống dịch trong bối cảnh số ca mắc tại “lục địa già” đã vượt mức 10 triệu ca và nhiều bệnh nhân COVID-19 trở nặng cần điều trị tích cực.
Bên cạnh đó, bà Kyriakides cũng khuyến nghị các nước EU tăng cường năng lực xét nghiệm và theo dõi tiếp xúc, cũng như năng lực của hệ thống y tế.
Nguyễn Hằng (TTXVN)
Nguồn: baotintuc