Theo kênh truyền RT, trước đó, Tổng thống Moon Jae-in đã công khai nhận mũi vaccine đầu tiên của hãng dược phẩm AstraZeneca/Oxford vào ngày 23/3. Đây là nỗ lực xoa dịu nỗ lo của người dân về chiến dịch tiêm chủng đang diễn ra tại quốc gia này.
Tuy nhiên, mạng xã hội đã nhanh chóng lan truyền tin đồn rằng y tá phụ trách tiêm vaccine cho Tổng thống Moon Jae-in đã bí mật đánh tráo ống tiêm trước khi thực hiện động tác. Theo tờ Korea Times, nghi vấn xuất hiện từ một đoạn video chính thức ghi lại sự kiện. Sau khi bơm vaccine ra khỏi lọ bằng một ống tiêm, y tá đã vòng ra đằng sau bức vách ngăn, lúc đó ống tiêm vẫn đang mở nắp, song khi người này quay lại thì ống tiêm đã đóng nắp”.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhận mũi tiêm vaccine COVID-19 đầu tiên vào ngày 23/3. Ảnh: Yonhap
Hình ảnh không đồng nhất trong ống tiêm đã dẫn tới nghi vấn Tổng thống Moon Jae-in thực chất đã được tiêm vaccine của Pfizer/BioNTech thay vì vaccine của AstraZeneca.
Vaccine của AstraZeneca đang tạm thời bị ngừng sử dụng tại một số quốc gia châu Âu do lo ngại nó có thể gây ra chứng đông máu. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố cho đến hiện giờ vẫn chưa tìm thấy mối liên quan giữa những hiện tượng đông máu và vaccine.
Trong mấy ngày gần đây, Văn phòng quận Jongno (thành phố Seoul) và Trung tâm Y tế Công cộng Jongno – địa điểm đã tiêm cho cho Tổng thống Moon Jae-in, liên tục nhận được vô số các cuộc điện thoại yêu cầu giải thích và công bố cảnh quay tiêm Tổng thống Moon Jae-in. Thậm chí các quan chức còn cho biết xuất hiện một vài lời đe dọa đốt văn phòng.
Một quan chức cấp quận gọi những tin đồn về việc tráo vaccine trong mũi tiêm cho Tổng thống Moon là phi lý, vì các cơ sở này không được trang bị loại tủ đông cực lạnh đủ điều kiện nhiệt độ để bảo quản vaccine Pfizer.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) bác bỏ tin đồn về khả năng tráo vaccine. KDCA cho rằng việc đóng nắp ống tiêm lại chỉ nằm trong quy trình không để kim tiêm bị nhiễm khuẩn trước khi tiêm.
KDCA cảnh báo công chúng không nên truyền thông tin sai lệch, dẫn đến mất niềm tin vào vaccine. Cơ quan này đã đề nghị cơ quan chức năng truy tìm những kẻ đăng tải các nội dung và video tin đồn, đồng thời yêu cầu cơ quan quản lý truyền thông xóa các nội dung liên quan. Cảnh sát đã tiến hành điều tra vụ việc.
Vaccine của hãng dược phẩm AstraZeneca trở thành tâm điểm chú ý kể từ khi có ghi nhận 11 người t ử v ong sau khi tiêm loại vaccine này ở Hàn Quốc. Ngày 22/3, KDCA khẳng định họ không thể tìm thấy bất kỳ mối liên hệ nào giữa phản ứng của 8/11 nạn nhân với vaccine. Ba trường hợp còn lại vẫn đang được điều tra.
Nguồn: baotintuc