Diễn biến mới này cho thấy phản ứng dữ dội của người dân Trung Quốc đối với những bình luận của công ty này về tình hình Tân Cương.
Trả lời Nikkei Asia qua điện thoại, một đại diện của H&M Trung Quốc cho biết, một số cửa hàng của họ đã tạm ngừng hoạt động, tuy nhiên người này từ chối cung cấp thông tin chi tiết.
Các cửa hàng H&M ở Trung Quốc bị buộc phải đóng cửa từ tuần trước (Ảnh: Reuters).
Các cửa hàng bán lẻ của hãng này tại tỉnh Sơn Đông và khu vực Nội Mông cũng xác nhận, họ buộc phải đóng cửa theo yêu cầu từ các chủ cho thuê mặt bằng và không rõ liệu việc đóng cửa này có lâu dài hay không.
Truyền thông Trung Quốc cũng cho biết, các cửa hàng bán lẻ của H&M ở tỉnh Hắc Long Giang và Giang Tô cũng đã được lệnh đóng cửa từ thứ Năm tuần trước.
Một đoạn video ngắn đăng tải trên tài khoản weibo của tờ Sina News cũng cho thấy, biển quảng cáo ngoài trời của H&M ở thành phố Dazhou tỉnh Tứ Xuyên đã bị gỡ bỏ hôm Chủ nhật vừa qua.
Trong khi đó, các tìm kiếm về H&M trên bản đồ di động Baidu và ứng dụng chia sẻ xe của Didi Chuxing đều hiển thị trang trống. Điều này khiến cho người tiêu dùng khó khăn khi tìm kiếm địa chỉ của các cửa hàng bán lẻ này.
Doanh nghiệp và người tiêu dùng Trung Quốc đã phát động phong trào tẩy chay đối với H&M và các nhà bán lẻ nước ngoài khác, bao gồm Nike và Gap, vì ngừng sử dụng bông của Tân Cương trong các sản phẩm.
Tính đến ngày 30/11, H&M đã có 505 cửa hàng trên khắp Trung Quốc, chiếm 5,2% tổng doanh thu ròng của hãng. Trung Quốc là thị trường lớn thứ 4 của hãng bán lẻ thời trang Thụy Điển, sau Đức, Mỹ và Anh.
Nhật Linh
Theo Nikkei Asia
Nguồn: Báo điện tử Dân trí