Mark Valencia thuộc Viện Nghiên cứu Nam Hải (Trung Quốc) dẫn ra một loạt số liệu để biện minh tàu Trung Quốc ở Đá Ba Đầu là bình thường. Ông này kế đó đổ lỗi cho các đồng nghiệp ở Mỹ và Singapore "làm quá mọi thứ".

42 1 Hoc Gia Than Trung Quoc Tung Hoa Mu Ve Da Ba Dau Lap Tuc Bi Vach Mat

Tiến sĩ Mark Valencia đang là nhà nghiên cứu cao cấp của Viện Nghiên cứu Nam Hải, một cơ sở được Chính phủ Trung Quốc nâng cấp từ tầm địa phương lên tầm quốc gia năm 2004. Trong ảnh: tàu Trung Quốc tại cụm Sinh Tồn của Việt Nam - Ảnh: Chính phủ Philippines

Người đầu tiên bị ông Valencia "điểm danh" là giáo sư Andrew Erickson thuộc Học viện Hải chiến Mỹ và cộng sự Ryan D. Martinson. Kế đến là chuyên gia Greg Poling của Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á. Collin Koh, nhà nghiên cứu tại Trường nghiên cứu quốc tế S Rajaratnam của Singapore, cũng bị ông Valencia nhắc tới.

Đây là những người đã nhận diện, phát hiện và theo dõi hành tung của những tàu dân quân biển Trung Quốc ngay khi chúng vừa rời cảng ở đất liền.

Dựa trên hệ thống nhận dạng tự động (AIS), hai chuyên gia Erickson và Martinson khẳng định có ít nhất 7 tàu dân quân biển trong số các tàu có mặt ở Đá Ba Đầu. Đây cũng là các tàu lớn nhất trong nhóm tàu đang neo đậu tại khu vực.

Theo ông Erickson, sẽ không có tàu cá bình thường nào lại neo đậu suốt thời gian dài mà chẳng có hoạt động đánh bắt gì để bù đắp chi phí.

Không chỉ các chuyên gia nước ngoài, mà chính quyền Philippines cũng khẳng định các tàu ở cụm Sinh Tồn là tàu dân quân biển. Trong một tuyên bố ngày 1-4, quân đội Philippines thậm chí cho biết đã phát hiện các "cấu trúc nhân tạo" tại cụm Sinh Tồn sau khi tàu Trung Quốc rút bớt đi nơi khác và tin rằng Trung Quốc là thủ phạm.

Tuy nhiên, trong bài viết trên trang Asia Times ngày 1-4, ông Valencia đã bác bỏ các dữ liệu AIS, hình ảnh của nhóm học giả Mỹ, Singapore và cho rằng cả 4 người này đang cường điệu hóa sự việc.

"Điều này rất nguy hiểm bởi nó có thể dẫn tới cuộc đụng độ giữa hải quân hoặc hải cảnh Trung Quốc với hải quân hoặc tuần duyên Philippines. Mỹ sẽ bị kéo vào xung đột dựa theo Hiệp ước tương trợ với Philippines", ông Valencia vẽ ra viễn cảnh đầy mùi thuốc súng.

Đáp lại bài viết dài ngoằng của ông Valencia, chuyên gia Poling cho rằng vị học giả có quan điểm thân Trung Quốc "vừa mang tới một câu chuyện hài hước nhưng rất khô khan" cho ngày Cá tháng tư.

"Mark Valencia lập luận rằng những tác nhân nguy hiểm nhất xung quanh vụ Đá Ba Đầu không phải là lực lượng dân quân biển, mà là những học giả như giáo sư Erickson, Martinson, Collin Koh và tôi", ông Poling viết trên Twitter và "tag" tên 3 người còn lại như để thông báo.

42 2 Hoc Gia Than Trung Quoc Tung Hoa Mu Ve Da Ba Dau Lap Tuc Bi Vach Mat

Chuyên gia Poling thông báo sự việc trên Twitter cá nhân ngày 1-4 - Ảnh chụp màn hình

Giáo sư Erickson lập tức hồi đáp: "Đừng lo Mark à, các nghiên cứu về dân quân biển Trung Quốc sẽ còn được công bố nữa. Cứ chờ nhé".

Thật vậy, chỉ chưa đầy một ngày sau đó, ông Erickson đã tung ra các tài liệu chi tiết về lực lượng này. Tài liệu cụ thể đến số hiệu, hình dáng của loại tàu và các tính năng kỹ - chiến thuật của chúng. "Tôi không có đùa đâu", ông Erickson viết ngày 2-4.

Chuyên gia Koh phản ứng nhẹ nhàng và đơn giản hơn. Ông chỉ ra việc dù là một học giả cấp cao tại một viện nghiên cứu do Chính phủ Trung Quốc thành lập, ông Valencia lại trích dẫn Wikipedia, một từ điển mở mà ai cũng có thể sửa đổi thông tin. "Thật kỳ lạ nhỉ. Cỡ ông ấy có thể tìm được nguồn tốt hơn thế".

Sự hiện diện của các tàu dân quân biển Trung Quốc luôn tạo ra mối lo ngại với các quốc gia ven biển, bởi đây là một trong những công cụ cưỡng ép, quấy rối tàu nước khác. Bắc Kinh cũng tích cực sử dụng lực lượng này để thúc đẩy các yêu sách chủ quyền vô lý trên Biển Đông.

Đối với giới học giả và những người thường xuyên theo dõi tình hình Biển Đông, Mark Valencia không phải là một cái tên xa lạ. Vị chuyên gia này đã liên tục viết bài bênh vực các động thái của Trung Quốc trên Biển Đông và cùng viết sách, bài nghiên cứu với một số học giả nhà nước Trung Quốc.

Trong bài viết trên trang Asia Times ngày 1-4, Valencia bảo vệ việc hàng trăm tàu Trung Quốc neo đậu tại Đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ông này tuyên bố các hành vi của tàu Trung Quốc không phạm luật quốc tế vì "không đánh bắt gì, mà chỉ đang trú ẩn thời tiết xấu".

Để chứng minh, ông dẫn ra nhiều số liệu cho thấy biển động, gió mạnh trong các tháng vừa qua. Nhưng theo chính quyền Philippines, thời tiết ở Đá Ba Đầu trong tháng 3 hoàn toàn bình thường, trời trong xanh và nhiều nắng.

Máy bay tuần thám Philippines ngày 29-3 cũng ghi nhận số tàu Trung Quốc tại Đá Ba Đầu đã giảm từ 220 tàu còn 44 tàu. Tuy nhiên, số tàu tại Đá Ken Nan cách đó 20km lại tăng vọt lên 115 tàu. Đá Ken Nan và Đá Ba Đầu cùng thuộc cụm Sinh Tồn trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Ấy vậy mà vị học giả cấp cao của Viện Nghiên cứu Nam Hải lại không đả động gì đến thông tin thời sự này, mà chỉ mô tả khi thời tiết tốt lên, tàu Trung Quốc không còn tập trung đông tại Đá Ba Đầu.

Việc các học giả tranh luận với nhau, thậm chí một cách kịch liệt, về các vấn đề học thuật là điều bình thường trong nghiên cứu khoa học. Nhưng việc "chỉ mặt điểm tên" như cách ông Valencia làm quả thật có hơi kỳ lạ, bởi nó giống như đang công kích cá nhân khi đuối lý hơn là tranh luận khoa học.

42 3 Hoc Gia Than Trung Quoc Tung Hoa Mu Ve Da Ba Dau Lap Tuc Bi Vach Mat

Giáo sư Erickson và cộng sự Martinson tung đồ họa hải trình kỳ lạ của 7 tàu mà Trung Quốc khẳng định là tàu cá bình thường từ ngày 1 đến 27-3-2021 tại cụm Sinh Tồn của Việt Nam. Các tàu dân quân biển Trung Quốc thường bật AIS như một cách để phát đi thông điệp rằng họ đang kiểm soát thực tế và chiếm ưu thế với số lượng lớn - Nguồn: Andrew Erickson và cộng sự Ryan D. Martinson

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC