Thế giới ghi nhận hơn 126 triệu người nhiễm, hơn 2,7 triệu người chết do nCoV, EU tỏ ra thất vọng và yêu cầu AstraZeneca bảo đảm nguồn cung vaccine.

Thế giới đã ghi nhận 126.017.539 ca nhiễm nCoV và 2.765.806 ca tử vong, tăng lần lượt 698.717 và 10.951, trong khi 101.690.095 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.

Các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đang bày tỏ thất vọng với tình trạng thiếu hụt nguồn cung của vaccine Covid-19 do AstraZeneca sản xuất, trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm thứ ba đang quét qua châu lục này và chương trình tiêm chủng của EU đang bị Mỹ, Anh bỏ xa.

42 1 Hon 126 Trieu Ca Covid 19 Toan Cau Eu Tang Ap Luc Voi Astrazeneca

Chủ tịch EC Ursula von der Leyen họp báo tại Brussels hôm 25/3. Ảnh: AFP.

“Chúng tôi muốn và phải giải thích với công dân châu Âu rằng họ sẽ được phân phối vaccine đầy đủ và công bằng. Công ty cần theo kịp và tuân thủ hợp đồng đã ký với các nước thành viên EU trước khi có thể tiếp tục xuất khẩu vaccine”, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nói hôm 25/3.

AstraZeneca chỉ bảo đảm cung cấp được 100 triệu liều vaccine cho EU trước tháng 7, trong khi khối này cần hơn 300 triệu liều. EC tuần này công bố kế hoạch siết kiểm soát xuất khẩu vaccine, cho phép chặn nguồn hàng đến những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao.

EU cũng chia rẽ về quan điểm kiểm soát xuất khẩu với những công ty không đáp ứng cam kết hợp đồng. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là một trong những lãnh đạo ủng hộ hành động cứng rắn như chặn toàn bộ nguồn xuất khẩu với những tập đoàn dược “không tôn trọng cam kết với châu Âu”.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, báo cáo 30.762.608 ca nhiễm và 559.471 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 61.554 và 1.269 trường hợp so với một ngày trước đó.

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 25/3 đặt mục tiêu tiêm 200 triệu liều vaccine Covid-19 cho người dân Mỹ trong 100 ngày đầu nhiệm kỳ, gấp đôi con số ban đầu ông đưa ra. Thay đổi được thông báo sau khi giới chức Mỹ hoàn thành mục tiêu 100 triệu liều hồi tuần trước, sớm hơn một tháng so với kế hoạch.

Tính đến giữa tuần này, 85 triệu người Mỹ đã được tiêm ít nhất một liều vaccine và hơn 46 triệu người tiêm đủ hai liều.

Tuy nhiên, quá trình tiêm chủng vaccine Covid-19 nhanh chóng dường như đã làm nảy sinh tâm lý chủ quan với nhiều người dân Mỹ, khiến họ lơ là các biện pháp chống dịch. Thành phố Miami Beach, bang Florida, cuối tuần qua phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp khi người dân lũ lượt kéo về bãi biển vui chơi tới mức mất kiểm soát giữa đại dịch.

Brazil là vùng dịch lớn thứ hai thế giới với 12.320.169 ca nhiễm và 303.462, tăng so với hôm trước lần lượt 92.990 và 2.375 ca.

Tổng thống Jair Bolsonaro hôm 24/3 thông báo sẽ thành lập ủy ban chống khủng hoảng với 27 thống đốc để đối phó đợt sóng Covid-19 đang tàn phá đất nước, đánh dấu sự thay đổi trong cách tiếp cận khi ông đang chịu thêm nhiều áp lực. Bolsonaro đã bị chỉ trích vì hạ thấp mức nghiêm trọng của đại dịch, phản đối các biện pháp phong tỏa của địa phương và lên tiếng chống lại vaccine.

Ấn Độ là vùng dịch thứ ba thế giới với 11.846.082 ca nhiễm và 160.983, tăng lần lượt 59.069 và 257. Ca nhiễm ở Ấn Độ tăng trở lại trong những tuần gần đây, khiến một số khu vực phải áp hạn chế tụ tập đông người. Các điểm nóng như bang phía tây Maharashtra và thủ phủ Mumbai tiến hành xét nghiệm bắt buộc tại chỗ ở những khu vực đông đúc.

Ấn Độ sẽ bắt đầu tiêm chủng cho tất cả những người trên 45 tuổi kể từ ngày 1/4. Các chuyên gia cho biết Ấn Độ đã tiêm chủng cho gần 50 triệu người nhưng chương trình với mục tiêu tiêm chủng cho 300 triệu người trước cuối tháng 7 đang bị chậm so với kế hoạch.

Hiện chỉ những nhân viên tuyến đầu trong lĩnh vực y tế và các lĩnh vực khác, cùng với người trên 60 tuổi và người trên 45 tuổi có bệnh nền mới đủ điều kiện để tiêm vaccine AstraZeneca hoặc vaccine nội địa Bharat Biotech.

Pháp, vùng dịch lớn thứ năm thế giới, ghi nhận 4.424.087 ca nhiễm và 93.378 ca tử vong. Tổng thống Macron hôm 23/3 cho biết sẽ đẩy mạnh tốc độ tiêm chủng kể từ tháng 4. Pháp đang đối phó sóng Covid-19 thứ ba, nhưng tụt hậu so với nhiều nước phương Tây về số lượng người được tiêm chủng. Pháp hiện tiêm được 8,8 triệu liều, so với hơn 30 triệu ở Anh và gần 11 triệu ở Đức.

Xu hướng tiêm chủng tăng nhanh những tuần gần đây, song ca nhiễm cũng tăng đột biến. Với việc các bệnh viện ở một số khu vực bị quá tải, chính phủ đặt 1/3 dân số vào tình trạng phong tỏa và công bố kế hoạch thành lập 35 trung tâm tiêm chủng đại trà. Một cuộc thăm dò gần đây cho thấy ngày càng nhiều người dân mệt mỏi với các lệnh phong tỏa.

Anh báo cáo 4.319.128 người nhiễm và 126.445 người chết, tăng lần lượt 6.220 và 63 trường hợp. Ca nhiễm mới ở nước này có xu hướng liên tục giảm trong những ngày gần đây. Bộ trưởng phụ trách vaccine Nadhim Zahawi cho biết tính đến 20/3, nước này đã tiêm 873.784 mũi vaccine Covid-19 cho người dân, mức cao kỷ lục trong chiến dịch tiêm chủng ở nước này.

Anh hôm 23/3 đánh dấu một năm đất nước áp lệnh phong tỏa toàn quốc để ngăn Covid-19. Nhiều địa điểm ở Anh đã được thắp sáng để tưởng nhớ những người đã chết trong đại dịch. Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết đài tưởng niệm dành cho các nạn nhân chết vì Covid-19 sẽ được xây dựng vào thời điểm thích hợp, sau lời kêu gọi từ các bác sĩ, giáo viên và y tá.

Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 1.482.559 ca nhiễm, tăng 6.107, trong đó 40.081 người chết, tăng 98.

Indonesia bắt đầu chiến dịch tiêm chủng từ tháng một và đặt mục tiêu tiêm vaccine cho 181,5 triệu người trong vòng một năm. Khoảng 6,2 triệu người đã được tiêm vaccine.

Philippines, vùng dịch lớn thứ hai Đông Nam Á, ghi nhận 693.048 ca nhiễm và 13.095 ca tử vong, tăng lần lượt 8.773 và 56 ca.

Philippines từ 22/3 mở rộng các biện pháp hạn chế ngăn Covid-19 từ thủ đô Manila sang 4 tỉnh lân cận gồm Bulacan, Cavite, Laguna và Rizal. Các biện pháp hạn chế gồm giới nghiêm ban đêm, cấm tụ tập đông người và chỉ đi lại khi cần thiết.

Theo thống kê của AFP, tính đến 22/3, hơn 455 triệu liều vaccine Covid-19 đã được tiêm ở 162 vùng lãnh thổ trên thế giới. Khoảng 56% số liều đã được sử dụng ở các nước có thu nhập cao, chiếm 16% dân số toàn cầu. Chỉ 0,1% được tiêm ở 29 quốc gia có thu nhập thấp nhất, nơi sinh sống của 9% dân số toàn cầu.

Nguồn: Vnexpress/Theo Reuters




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC