Phát ngôn viên Ủy ban châu Âu Eric Mamer mới đây đã gửi đi một tuyên bố cho thấy liên minh này không hài lòng với cách ứng xử của Hungary khi Hungary cho biết họ đang đàm phán với Nga và Trung Quốc về việc sử dụng vaccine ngừa COVID-19 từ 2 quốc gia này.

Châu Âu cảnh báo Hungary khi nói ý định mua vaccine Sputnik V của Nga và của Trung Quốc.

42 1 Hungary Muon Mua Vaccine Nga Eu Lap Tuc De Doa

Thủ tướng Hungary Viktor Orban muốn mua vaccine COVID-19 của Nga, Trung Quốc liền bị EU chặn lại.

Theo đó, phía Châu Âu cho biết, các nước thành viên EU sẽ chỉ được phép sử dụng vaccine ngừa COVID-19 chính thức, được EU phê duyệt.

Phát ngôn viên EU, Mamer cho biết: "Bất cứ loại vaccine nào được cung cấp trên lãnh thổ của Liên minh châu Âu đều sẽ phải tuân thủ cả các tiêu chuẩn chất lượng của EU và tuân theo các thủ tục được phê duyệt."

Tuyên bố có phần cứng rắn hơn, ông Mamer nhấn mạnh: "Chúng tôi không đàm phán với các công ty Nga hoặc Trung Quốc. Đây là chiến lược vaccine của châu Âu. Tất cả các thành viên đều đã đăng ký vào quy trình vaccine chung của khối."

Chương trình cung cấp vaccine chung của khối hiện ngày càng bi quan bởi các thử nghiệm không mấy tích cực.

Johnson & Johnson đã tạm dừng các thử nghiệm của mình vào giữa tháng 10, với lý do một người tình nguyện mắc bệnh "không rõ nguyên nhân". AstraZeneca cũng đã tạm dừng các thử nghiệm của họ đối với một tình nguyện viên người Anh gặp biến chứng, nhưng đã tái khởi động thử nghiệm ngay cả sau khi một tình nguyện viên người Brazil đã qua đời vào ngày 20/10.

Hiện vaccine ngừa COVID-19 của Nga và Trung Quốc rất triển vọng và đang được thử nghiệm ở quy mô toàn cầu.

Vaccine Sputnik V của Nga và các vaccine Trung Quốc được cho là đã nằm trong danh sách đàm phán giữa Thủ tướng Hungary và các đối tác ở 2 quốc gia này.

Thủ tướng Hungary cho biết ông tin tưởng việc Nga và Trung Quốc hiện đang sở hữu khoảng 2- 3 loại vaccine sẽ có thể sớm cung cấp cho quốc gia này vaccine vào tháng 12/2020 hoặc tháng 1/2021.

Được đặt tên là Sputnik V, vaccine đầu tiên của Nga dựa trên nền tảng vectơ adenoviral đã được nghiên cứu trước đây và được coi là an toàn. Hiện đang trải qua giai đoạn ba thử nghiệm trên quy mô 30.000 người. Moscow đã đăng ký chương trình Danh sách Sử dụng Khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chương trình này sẽ cho phép nhanh chóng phê duyệt vaccine để sử dụng.

Brussels và Washington đã phản đối vaccine của Nga, với lý do an toàn. Mỹ dường như cũng dựa vào các chính phủ để gây áp lực buộc họ phải loại bỏ vaccine Sputnik V. Khi phía Ukraine cũng không thể hiện sự quyết liệt thì vào ngày 16/10, Đại sứ quán Mỹ tại Kiev thông báo rằng Ukraine “sẽ KHÔNG mua vaccine [COVID-19] của Nga, loại vaccine chưa qua thử nghiệm lâm sàng về độ an toàn!”

Hiện tình hình dịch bệnh ở các nước châu Âu đang trở nên phức tạp, số ca nhiễm COVID-19 ở châu Âu cũng đã vượt ngưỡng mới, lên hơn 10 triệu ca.

Châu Âu đang ghi nhận 241.000 ca nhiễm mới/ngày, so với 15.000 ca vào đầu tháng 7, và đại diện cho khoảng phân nửa số ca nhiễm toàn cầu hằng ngày trong tuần trước. Tính đến sáng ngày 31/10 (theo giờ Việt Nam), số ca nhiễm trên toàn cầu tăng lên hơn 45 triệu ca, với hơn 1,1 triệu ca tử vong, theo Đại học Johns Hopkins.

Trong tuần này có khoảng 14 quốc gia châu Âu ghi nhận số ca nhập viện liên quan Covid-19 cao kỷ lục, buộc nhiều nước áp đặt lệnh phong tỏa mới. Trong đó, Bỉ trở thành quốc gia châu Âu mới nhất sẽ áp đặt các quy định phong tỏa nghiêm ngặt, từ ngày 2/11, đóng cửa các cơ sở kinh doanh không cần thiết.

Tờ The Times hôm 30/10 đưa tin, Thủ tướng Anh Boris Johnson đang xem xét áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc trở lại nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19. Hôm 30/10, giới chức y tế Anh ghi nhận thêm 24.405 ca nhiễm COVID-19 và hơn 274 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và số ca tử vong lên lần lượt hơn 992.000 và 46.000 ca.

Giới chức Hungary ghi nhận thêm 3.908 ca nhiễm, vượt qua con số cao kỷ lục 3.286 được ghi nhận hôm qua 30/10.

Trong khi đó, Ukraine ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 trong ngày 30/10 ở mức cao kỷ lục, lên tới 8.752, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên tới 387.481 ca, theo Reuters.

Hải Lâm

Nguồn: baodatviet.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC