Sáng thứ Năm ngày 6/6, Thủ tướng Campuchia Hun Manet chính thức thông báo ngày động thổ kênh đào Phù Nam Techo là 5/8, theo báo Khmer Times.
Phát biểu tại lễ khai trương cảng đa năng Kampot, ông Hun Manet kêu gọi tất cả mọi người đồng tâm ủng hộ đại dự án này.
"Đừng phán xét gì về dự án này nữa, ngày chính thức động thổ là vào 5/8/2024. Xin hãy ủng hộ dự án hơn nữa. Dự án được xây dựng vì lợi ích của toàn thể nhân dân, vì vậy hãy ủng hộ sự phát triển của chúng ta," ông nhấn mạnh.
"Dự án này là liên doanh giữa Cảng tự trị Sihanoukville, Cảng tự trị Phnom Penh và một công ty tư nhân chiếm 51% [vốn] và các nhà đầu tư nước ngoài theo hợp đồng BOT,” ông Hun Manet thông báo.
Ông Hun Manet đã không nêu các nhà đầu tư nước ngoài này là từ quốc gia nào.
Thủ tướng Campuchia Hun Manet tuyên bố ngày động thổ kênh đào Phù Nam Techo là 5/8
Theo tường thuật của Khmer Times hôm 17/5, Thủ tướng Hun Manet đã khẳng định siêu dự án Phù Nam Techo sẽ do các đối tác Trung Quốc xây dựng theo hợp đồng BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao), .
Tập đoàn Cầu đường Trung Quốc (China Road and Bridge Corporation) được xác nhận là công ty thực hiện nghiên cứu khả thi dự án này và cũng là công ty đầu tư vào kênh đào.
Vào ngày 30/5, Thủ tướng Campuchia Hun Manet từng tuyên bố sẽ khởi công xây dựng kênh đào Phù Nam Techo vào tháng 8.
Như vậy là chỉ còn khoảng 2 tháng nữa là dự án sẽ được khởi công. Tuy nhiên, số liệu chi tiết về dự án này vẫn chưa được Campuchia công bố đầy đủ, dù Việt Nam đã nhiều lần đề nghị.
Tận dụng truyền thông quốc tế và mạng xã hội
Thủ tướng Hun Manet được cho là đang tiếp nối di sản của cha mình, cựu Thủ tướng Hun Sen. Ảnh ông Hun Sen và ông Hun Manet trong sự kiện đánh dấu ngày chế độ Khmer Đỏ bị lật đổ vào 7/1/2024.
Các quan chức chính phủ Campuchia đã tận dụng truyền thông quốc tế để thúc đẩy sự ủng hộ đối với siêu dự án Phù Nam Techo.
Trong khi đó, Việt Nam chỉ thể hiện quan điểm qua các tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao và các kênh báo chí nhà nước.
Trong thời gian qua, bên cạnh các chuyên gia, nhiều quan chức hàng đầu Campuchia đã lên tiếng mạnh mẽ trên các kênh truyền thông quốc tế và mạng xã hội để vận động sự ủng hộ và thuyết phục quốc tế về dự án kênh đào Phù Nam Techo.
Điều này phần nào cho thấy Campuchia đã có một chiến lược truyền thông bài bản.
Phó Thủ tướng Sun Chanthol kiêm phó Chủ tịch Hội đồng Phát triển của Campuchia gần đây đã xuất hiện nhiều lần trên truyền thông nước ngoài để nói về kênh đào Phù Nam Techo.
Trong bài viết được đăng ở mục quan điểm trên trang Nikkei Asia vào ngày 25/5, ông Sun Chanthol đã đưa ra những đánh giá tốt đẹp và lạc quan về dự án đầy tham vọng của Campuchia. Hầu như không có điểm nào đáng phải khiến Việt Nam quan ngại.
Nikkei Asia được biết đến là kênh truyền thông chuyên về kinh tế, tài chính, chính sách uy tín hàng đầu thế giới, đặc biệt là các nội dung liên quan đến châu Á. Việc Campuchia chọn Nikkei Asia đã truyền đi thông điệp chính thức bằng tiếng Anh cho thấy sự tính toán kỹ càng của chính phủ nước này.
Nội dung bài viết không cung cấp thêm thông tin mới về dự án mà chỉ khẳng định dự án này "sẽ chỉ mang lại sự thịnh vượng", và rằng kênh đào vì mục đích "thương mại và hợp tác, không phải xung đột hay áp bức".
Ông Sun Chanthol nhấn mạnh "sự minh bạch" của Campuchia như sau:
"Các đánh giác tác động môi trường cẩn trọng do 48 chuyên gia quốc tế thực hiện sẽ đảm bảo rằng tuyến đường thủy hiện đại này tôn trọng di sản tự nhiên của sông Mekong và tuân thủ nghiêm ngặt Hiệp định sông Mekong năm 1995 đã được Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam ký."
"Theo tinh thần minh bạch đầy đủ, Campuchia đã thông báo tới Ủy hội sông Mekong Quốc tế (MRC) vào tháng 8/2023 về các chi tiết của dự án và những phát hiện từ nghiên cứu của chúng tôi, cho thấy rõ cam kết hợp tác và nghĩa vụ trong khu vực."
Ngày 7/5, Reuters dẫn lời ông Sun Chanthol nói rằng lượng nước bị chuyển hướng từ dự án kênh đào Phù Nam Techo "chỉ bằng giọt nước trong xô".
Ông Sun Chanthol cũng nhấn mạnh ý này trong cuộc gặp với người đồng cấp Việt Nam Lê Minh Khái bên lề Hội nghị Tương lai châu Á ở Tokyo, Nhật Bản hôm 23/5. Ông nói lượng nước hiện tại chảy từ sông Mekong ra biển là 8.000 mét khối/giây, sông Bassac là 1.400 mét khối/giây trong khi kênh đào Phù Nam Techo chỉ sử dụng 5 mét khối/giây.
Trước đó, với khả năng tiếng Anh thành thạo, ông Sun Chanthol đã nói về dự án kênh đào Phù Nam Techo trong phỏng vấn độc quyền với kênh CNBC vào ngày 29/4.
Ông nhấn mạnh kênh đào này sẽ không gây hại gì cho dòng sông Mekong.
"Các chuyên gia của chúng tôi và 48 chuyên gia và cố vấn quốc tế đã hoàn tất nghiên cứu toàn diện cho dự án này," ông nói. "Dự án này bao gồm các tuyến đường thủy mà chúng tôi đã sử dụng trong hơn 2.000 năm qua; điều chúng tôi cần làm là mở rộng và đào sâu những tuyến đường thủy này để những tàu có tải trọng 3.000 tấn có thể đi từ Phnom Penh trực tiếp đến biển của chúng tôi ở tỉnh Kep."
Trang Khmer Times thân chính phủ Campuchia cũng thường xuyên đăng tải ý kiến chuyên gia Campuchia thống nhất ủng hộ mạnh mẽ dự án.
Ngoài ra, các chuyên gia Campuchia cũng thường xuyên lên tiếng trên những chuyên trang bằng tiếng Anh như The Diplomat, với nội dung xuyên suốt là bác bỏ những quan ngại về khía cạnh quân sự và môi trường liên quan đến dự án này.
Hồi tháng 3/2024, khả năng dự án Phù Nam Techo vừa phục vụ dân sự vừa phục vụ quân sự đã được đề cập trong bài báo bằng tiếng Việt Dự án kênh đào Funan Techo: lợi ích và hệ lụy của hai tác giả Nguyễn Đình Thiện và Hoàng Thanh Minh trên Tạp chí Phương Đông, thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Bài viết nêu: "Nhiều chuyên gia quân sự đặt ra khả năng khi các cửa cống trên Kênh đào Funan Techo đóng lại có thể tạo độ sâu cần thiết, đủ để cho tàu quân sự đi từ Vịnh Thái Lan, hay từ căn cứ Ream, vào sâu trong nội địa Campuchia và tiến đến gần về phía biên giới nước này."
Ngày 24/5, nhà nghiên cứu độc lập Rim Sokvy đăng viết trên trang The Diplomat rằng những quan ngại an ninh từ phía Việt Nam về dự án kênh đào Phù Nam Techo "đã bị đặt sai chỗ".
Cụ thể ông viết như sau:
"Có những mối quan ngại tiềm tàng về những kế hoạch của chính phủ Campuchia cho tuyến vận tải thủy nội bộ này nhưng an ninh không phải là một trong số đó."
"Nhìn chung Việt Nam có những quan ngại liên quan đến dự án kênh đào Phù Nam Techo, nhưng dự án này không có tầm quan trọng gì về mặt quân sự cả. Dù việc xây dựng dự án sẽ có những tác động trực tiếp lên Campuchia và Việt Nam, lập luận của Hà Nội rằng kênh đào này có thể được dùng cho mục đích quân sự là một cách hữu ích để liên hệ dự án này với vấn đề lớn hơn là cuộc đối đầu Mỹ - Trung và tạo thêm áp lực cho Campuchia."
Ông Hun Sen, ông Hun Manet và ông Chanthol thường xuyên cập nhật thông tin về dự án kênh đào Phù Nam Techo trên Facebook, thậm chí trước cả báo chí.
Cựu Thủ tướng Hun Sen, hiện là chủ tịch Thượng viện, là một chính trị gia hoạt động tích cực trên các nền tảng mạng xã hội.
Tài khoản Facebook của ông Hun Sen hiện có 14 triệu lượt theo dõi, ông Hun Manet thì khiêm tốn hơn với 1,4 triệu lượt theo dõi.
Phó Thủ tướng Sun Chanthol có gần 60.000 lượt theo dõi trên Facebook.
Đây là điểm khác biệt, nếu so với các chính trị gia Việt Nam, những người hầu như không có trang Facebook hay mạng xã hội riêng để tương tác với công chúng trên mạng.
Ngoài ra khả năng tiếng Anh thành thạo và sự tự tin trước truyền thông quốc tế cũng là một đặc điểm nổi bật của lãnh đạo Campuchia hiện nay.
Ông Hun Manet là một người được đào tạo tại phương Tây. Ông tốt nghiệp Học viện quân sự West Point của Mỹ vào năm 1999, thạc sĩ kinh tế tại Đại học New York năm 2002 và tiến sĩ kinh tế tại Đại học Bristol vào năm 2008.
Ông Hun Manet thường xuyên sử dụng tiếng Anh trong các buổi tiếp đón quan chức nước ngoài, mới đây là Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, mà không cần phiên dịch và tự tin phát biểu tiếng Anh tại Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc.
Việt Nam lép vế hơn trên mặt trận truyền thông?
Phó Thủ tướng Campuchia Sun Chanthol đề cập khả năng ngăn lũ tràn sang Việt Nam như một ưu điểm của kênh Phù Nam Techo. Trong khi đó, lũ lại đóng vai trò quan trọng đối với Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh chợ nổi Cái Răng, tỉnh Cần Thơ vào ngày 25/4/2024.
Thông báo mới nhất của ông Hun Manet được đưa ra trong bối cảnh Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có bốn lần chính thức lên tiếng về dự án và đề nghị Phnom Penh cung cấp thêm thông tin để có thể thẩm định dự án đầy đủ liên quan đến các tác động môi trường.
Gần nhất là vào ngày 23/5, nhân vụ ông Hun Sen yêu cầu chính quyền Campuchia phối hợp với Việt Nam điều tra những người dùng TikTok bình luận chửi bới ông bằng tiếng Việt.
Tuyên bố chính thức từ Việt Nam đưa ra cho đến nay đều thông qua Bộ Ngoại giao và không có những quan chức hàng đầu từ chính phủ như thủ tướng hoặc phó thủ tướng, bộ trưởng, thứ trưởng... xuất hiện trên truyền thông quốc tế hay đưa ra tuyên bố cụ thể liên quan đến dự án này như Campuchia.
Việt Nam luôn khẳng định "quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài với Campuchia" xuyên suốt trong những lần tuyên bố liên quan đến dự án này.
Dường như Việt Nam nỗ lực tối đa để tránh thổi bùng căng thẳng với láng giềng, vốn đang trở thành một đồng minh thân sắt son nhất của Trung Quốc tại Đông Nam Á.
Truyền thông nhà nước của Việt Nam chỉ thật sự vào cuộc sau khi Bộ Ngoại giao Việt Nam lần đầu đưa ra tuyên bố chính thức về dự án này vào ngày 11/4, ví dụ như loạt bài của báo Pháp luật TP HCM gần đây với tiếp cận từ góc độ luật quốc tế cùng những lo ngại về tác động của dự án Phù Nam Techo.
Có thể thấy hai luồng ý kiến chính hiện nay, một bên thẳng thắn đề cập quan ngại và yêu cầu có thông tin và điều tra độc lập liên quan tác động môi trường, trong khi đó một bên liên tục nhấn mạnh về "nghĩa tình trong quan hệ Việt-Campuchia".
Trong bài viết mới đây, bản tiếng Việt được đăng trên chuyên trang Nghiên cứu quốc tế hôm 27/5, bản tiếng Anh được đăng trên Fulcrum thuộc viện nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak, Tiến sĩ Nguyễn Bá Sơn, cựu Chủ tịch Hội Luật Quốc tế Việt Nam và Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước Quốc tế, Bộ Ngoại giao Việt Nam, viết rằng:
"Trong bối cảnh còn có những khác biệt trong việc đánh giá tác động của dự án kênh đào Phù Nam, tôi hy vọng hai nước sẽ tiếp tục làm việc với nhau trên tinh thần minh bạch, tôn trọng lợi ích chính đáng lẫn nhau, cùng với sự thấu hiểu, nhằm vun đắp 'tình làng nghĩa xóm', duy trì sự ổn định và phát triển lâu dài của quan hệ song phương, không để con kênh chia đôi bờ trong quan hệ hai nước."
Bài viết này thiên về các thông điệp chính trị, những lời kêu gọi cảm tính mà thiếu các đánh giá lý tính cần có nơi một bài viết của chuyên gia.
Là người gắn bó với Đồng bằng sông Cửu Long nhiều năm nay, PGS TS Lê Anh Tuấn, Giảng viên trường Đại học Cần Thơ, đưa ra ước tính hồi tháng 4 rằng: Vào mùa khô, sau khi có kênh Phù Nam Techo, nếu toàn bộ vùng đất trồng lúa ở các tỉnh mà con kênh đi qua đều được tưới, thì có thể sẽ có thời điểm "nước trên sông Tiền và sông Hậu về đến Đồng bằng sông Cửu Long giảm hơn 50%", con số này được ước tính vào thời điểm bất lợi nhất cho vận hành tưới lúa.
Trong báo cáo, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn cũng lưu ý các đánh giá hiện tại được đưa ra chỉ mang tính định hướng nhiều hơn định lượng.
Mới đây nhất, PGS TS Lê Anh Tuấn đã phản biện nhận định của Phó Thủ tướng Campuchia Sun Chanthol về khả năng ngăn lũ tràn sang Việt Nam như một ưu điểm của kênh Phù Nam Techo hôm 23/5.
Trong khi đó, PGS TS Vũ Thanh Ca, Giảng viên cao cấp Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, ngày 28/5 bình luận với BBC News Tiếng Việt rằng trong bối cảnh Đồng bằng sông Cửu Long đang thiếu lũ, việc kênh đào Phù Nam Techo gây giảm lũ "là một tác động bất lợi". Trên thực tế, trong nhiều năm gần đây, Việt Nam và nhiều chuyên gia quốc tế đã luôn coi lũ sông Mekong (nước nổi) là nguồn tài nguyên.
Quy mô kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia
180 km và 1,7 tỷ USD
Độ dài và chi phí ước tính
Rộng 100 m ở thượng nguồn
Rộng 80 m ở hạ nguồn
Độ sâu 5,4 m
Thời gian xây dựng 4 năm
Nguồn: Thông tấn xã Campuchia (APK)
Nguồn: BBC