Nhân viên bầu cử kiểm tra tính chính xác của các bảng thống kê phiếu bầu tại Hội đồng bầu cử quận Wake, ở Raleigh, Bắc Carolina, Mỹ trong ngày đầu tiểu bang gửi đi các lá phiếu vắng mặt cho cử tri - Ảnh: REUTERS
Mặc dù số lượng cử tri bỏ phiếu sớm tăng vọt, hàng triệu lá phiếu bầu qua thư vẫn còn lưu lạc nơi đâu mà chưa được gửi đến các điểm kiểm phiếu tại Mỹ trong ngày 28-10. Các quan chức bầu cử cảnh báo những lá phiếu được gửi qua đường bưu điện từ sau ngày 28-10 có thể sẽ không đến kịp để được xem là hợp lệ và được kiểm.
Báo Washington Post dẫn nguồn từ Dự án bầu cử Mỹ, một trang web phi đảng phái, chuyên giám sát các phiếu bầu cho biết: hơn 42 triệu trong số 92 triệu lá phiếu bầu qua thư cử tri đăng ký vẫn chưa về đích tính đến chiều ngày 28-10.
Tại 20 bang nơi có dữ liệu về đảng phái, hơn 11 triệu lá phiếu là do cử tri ủng hộ Đảng Dân chủ đăng ký, gần 8 triệu lá phiếu do cử tri ủng hộ Đảng Cộng hòa đăng ký và khoảng 10 triệu lá phiếu không thể hiện thông tin đảng phái.
Tại Mỹ, các tiểu bang có quy định khác nhau về hạn chót ghi nhận phiếu bầu qua thư hợp pháp. Trong đó, tại hơn 20 bang, phiếu bầu chỉ được xem là hợp pháp nếu đến kịp trong ngày bầu cử 3-11.
Tuy nhiên, do tình hình dịch COVID-19, một số tiểu bang thông qua luật cho phép phiếu bầu có đóng dấu bưu điện vào ngày bầu cử (3-11) là hợp lệ, miễn là nó được gửi đến tổ kiểm phiếu trong một thời hạn nhất định sau ngày 3-11.
Một người đi bỏ lá phiếu vắng mặt của mình tại trung tâm Barclay, một điểm bỏ phiếu trong ngày đầu cho phép bầu cử sớm ở Manhattan, New York, Mỹ ngày 24-10 - Ảnh: REUTERS
Do chỉ còn 5 ngày nữa là đến ngày bầu cử tổng thống, nhà chức trách ở nhiều tiểu bang cho rằng thời điểm này không còn đủ thời gian để đảm bảo các lá phiếu gửi qua đường bưu điện sẽ đến đúng lúc, đặc biệt là do dịch vụ của bưu điện Mỹ nổi tiếng là chậm trễ, kể cả với dịch vụ thư tín ưu tiên (first-class).
Do đó, ở các bang có thời hạn nghiêm ngặt, nhà chức trách đang kêu gọi cử tri có các kế hoạch bỏ phiếu thay thế, như bỏ phiếu tại các thùng bỏ phiếu chính thức.
Trong trường hợp người đã đăng ký bầu vắng mặt đổi ý muốn bầu trực tiếp, họ cần mang lá phiếu vắng mặt trắng theo và có thể bầu bằng lá phiếu vắng mặt này tại điểm bỏ phiếu. Họ cũng có thể phải nộp lại lá phiếu này và sử dụng lá phiếu bầu trực tiếp tạm thời.
Một số tiểu bang đã có xuất hiện trường hợp này. Những lá phiếu bầu trực tiếp tạm thời sẽ được tính khi nhà chức trách xác nhận cử tri đã không gửi lá phiếu vắng mặt đi.
Trường hợp cử tri đã đăng ký bầu vắng mặt và không có cách bỏ phiếu nào khác thay thế, họ nên gửi thư đi càng sớm càng tốt còn hơn không làm gì.
Đã có hơn 70 triệu người Mỹ đã bỏ phiếu bầu cử, trong đó có gần 50 triệu lá phiếu qua thư.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online