Đài ABC với dòng tít gắn màn bắn pháo hoa ở London với kết quả bầu cử của báo đài Mỹ dù hai sự kiện không liên quan - Ảnh chụp màn hình
Kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 chắc chắn sẽ có tác động toàn cầu, nhưng một số báo đài đã quy một cách sai trái nhiều sự kiện trên thế giới là hoạt động động ăn mừng chiến thắng của ứng viên Joe Biden, theo Fox News.
Fox News đã chỉ ra Đài ABC, CNN, MSNBC của Mỹ là những nơi đã đưa tin kiểu như vậy. Chẳng hạn, cuối tuần qua Đài ABC News chia sẻ một video bắn pháo hoa ở thủ đô London (Anh) và gắn sự kiện này với cuộc bầu cử Mỹ dù không liên quan gì.
"Pháo hoa đã thắp sáng bầu trời ở London, Anh sau khi ông Joe Biden được xem là người chiến thắng rõ ràng của cuộc bầu cử tổng thống năm nay" - Đài ABC News mô tả trên Twitter kèm theo video bắn pháo hoa.
Theo Fox News, Đài ABC News đã xóa bài đăng trên sau khi họ nhận ra cảnh bắn pháo hoa trên thật ra là chào mừng Guy Fawkes Night (đêm lửa trại), lễ hội được tổ chức trên toàn Vương quốc Anh từ thành thị tới nông thôn vào ngày 5-11.
Báo Dailymail của Anh mô tả: "Mỗi năm vào đêm lửa trại, các gia đình trên khắp Vương quốc Anh đều tụ tập ở bên ngoài vào ngày 5-11 và thưởng thức các màn trình diễn pháo hóa để tưởng nhớ sự kiện "Âm mưu thuốc súng" thất bại vào năm 1605".
Các cuộc "kiểm tra sự thật" (fact check) cũng cho thấy không có tiếng chuông nhà thờ vang lên từ thủ đô Paris của Pháp để ăn mừng ông Biden chiến thắng - Ảnh chụp màn hình Twitter
Trong khi đó, nhà báo Jeff Zeleny của Đài CNN (đài thường xuyên chỉ trích ông Donald Trump) gọi các hoạt động ăn mừng tại châu Âu nhân chiến thắng bầu cử của ông Biden là "to lớn lạ thường".
"Chúng tôi nghe được tiếng chuông nhà thờ vang lên ở Paris (Pháp), nhìn thấy pháo hoa ở London. Đây quả thật là khoảnh khắc mà thế giới đang theo dõi" - ông Jeff Zeleny nói với người dẫn chương trình Wolf Blitzer trên Đài CNN hôm 7-11.
Người dẫn chương trình Ari Melber của Đài MSNBC cũng chỉ ra các hoạt động ăn mừng "khắp toàn cầu".
"Đó là phản ứng để đánh dấu ông Trump thua cuộc và ông Joe Biden trở thành tổng thống đắc cử" - ông Ari Melber nói với khán giả trước khi chiếu cảnh bắn pháo hoa từ thủ đô London của Anh.
Báo Washington Post (Mỹ) ngày 9-11 tiến hành "kiểm tra sự thật" (fact check) và tuyên bố: "Không đâu! Paris không rung chuông nhà thờ để mừng ông Biden. Và pháo hoa của London liên quan tới đêm lửa trại".
Báo Libération của Pháp còn cho biết tiếng chuông nhà thờ thật ra không phát ra từ thủ đô Paris, mà là từ vùng ngoại ô Meudon ở gần đó. Tiếng chuông nhà thờ vang lên là để thông báo về lễ mét lúc 18h.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online