Một người chụp ảnh nhiệt kế đo 55 độ C tại trung tâm du khách Furance Creek ở Vườn quốc gia Death Valley (Thung lũng chết), bang California vào ngày 17-8 - Ảnh: REUTERS
Đài CNBC ngày 12-9 cho biết trong mùa hè năm nay, nước Mỹ đã trải qua cái nóng ngột ngạt, với nhiệt độ cao xác lập nhiều kỷ lục mọi thời đại và hàng triệu người dân nhận các cảnh báo về nhiệt độ cao quá mức.
Trong suốt đợt sóng nhiệt (giai đoạn thời tiết nóng một cách quá mức) lịch sử ở miền tây nước Mỹ, nhiệt độ ở Death Valley (thung lũng chết), bang California đã chạm tới khoảng 55 độ C. Đây là mức kỷ lục tại đây và cũng có khả năng là mức cao nhất từng được ghi nhận trên Trái đất.
Còn thành phố Oakland, bang California hứng cái nóng gần 38 độ C lần đầu tiên trong tháng 8 và thành phố Phoenix ghi nhận nhiệt độ cao nhất trong cùng tháng với 47 độ C.
Cuối tuần trước, có một khu vực ở thành phố Los Angeles, bang California ghi nhận cái nóng hơn 49 độ C khi bang này đối phó với các đám cháy rừng dai dẳng.
Cái nóng ngột ngạt như vậy đang trở nên nguy hiểm hơn với tác động của biến đổi khí hậu. Một trong các nguyên nhân chính là: Nhiệt độ thấp hơn về đêm giúp làm dịu đi thời tiết nóng vào ban ngày nhưng... điều này đang biến mất.
Theo Cục Quản lý khí quyển và đại dương quốc gia (NOAA) của Mỹ, nhiệt độ về đêm vào mùa hè hiện nay đang tăng lên với tốc độ còn nhanh hơn so với nhiệt độ ban ngày. Nhiệt độ ban ngày và nhiệt độ ban đêm đều cao như vậy sẽ không giúp cái nóng có cơ hội dịu đi.
"Những đêm tối nóng cũng có nghĩa ít có cơ hội để mát đi, khiến người ta phải chịu nhiệt độ cao nhiều hơn, đặc biệt với những người và những địa điểm dễ chịu thương tổn" - giáo sư về y tế toàn cầu Kristie Ebi tại Đại học Washington bình luận.
Các nhân viên cứu hộ tìm kiếm các nạn nhân trong cháy rừng ở thành phố Phoenix, bang Oregon hôm 12-9 - Ảnh: REUTERS
Ở Mỹ, cái nóng khiến nhiều người thiệt mạng hơn bất kỳ thảm họa thời tiết nào khác như lũ lụt hay bão.
"Biến đổi khí hậu đang làm gia tăng đáng kể cường độ của cái nóng cực đoan và hậu quả đối với sức khỏe con người đã được ghi nhận ở nhiều nước trên thế giới. Nếu cơ thể con người không thể mát đi vào ban đêm, thì tác động của một giai đoạn nóng đối với sức khỏe có thể đặc biệt nghiêm trọng" - phó giáo sư Ben Zaitchik tại Đại học Johns Hopkins bình luận.
Theo kênh CNBC, biến đổi khí hậu đang khiến các đợt sóng nhiệt và hạn hán diễn ra thường xuyên hơn, mạnh hơn và trên phạm vi rộng hơn. Hàng chục đám cháy lớn đang diễn ra ở bờ tây nước Mỹ, tàn phá mọi thứ mà chúng quét qua.
Đài CNN ngày 13-9 cho biết các đám cháy rừng đã khiến ít nhất 28 người chết ở 3 bang thuộc bờ tây nước Mỹ kể từ giữa tháng 8. Trong đó, chỉ riêng bang California có 19 người chết. Tuần này, cháy rừng đã khiến một bé trai 1 tuổi cùng một đứa trẻ khác thiệt mạng ở bang Washington và nhiều người chết ở Oregon.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online