Người tham gia thử nghiệm vắc xin phòng COVID-19 tại Mỹ - Ảnh: AFP
Khi mà số người bị nhiễm COVID-19 tại Mỹ vượt quá 8,3 triệu ca, các nguồn tin từ giới công nghiệp cho biết hai công ty dược phẩm Pfizer và Moderna có kế hoạch xin giấy phép cho vắc xin của họ từ nay cho đến cuối tháng 11 tại Mỹ.
Ông Albert Bourla - tổng giám đốc của Pfizer, một đối tác của công ty BioNTech của Đức, cho biết ông mong chờ bằng chứng về hiệu quả của vắc xin đang thử nghiệm từ nay đến cuối tháng 10.
Nhưng ông sẽ chờ đến tuần lễ thứ ba của tháng 11 mới nộp đơn với Cơ quan Thực phẩm và dược phẩm (FDA) Mỹ để yêu cầu cấp phép khẩn cấp, "trong trường hợp các dữ liệu thu thập cho thấy tích cực".
Moderna, một công ty công nghệ sinh học của Mỹ, cũng dự kiến nộp đơn vào ngày 25-11 tới. Moderna là công ty đang sở hữu ít nhất 7 bản quyền liên quan tới vắc xin, kể cả vắc xin chống lại một chủng virus corona, bao gồm virus gây bệnh COVID-19.
Theo Hãng tin AFP, các mốc thời gian trên là chưa tính đến việc các chuyên gia của FDA sẽ mất bao lâu để nghiên cứu các dữ liệu và cho phép sử dụng vắc xin hay không và nếu cho thì ưu tiên tiêm chủng các đối tượng nào.
Cơ sở sản xuất của Tập đoàn Lonza ở TP Visp, Thụy Sĩ, nơi sẽ sản xuất vắc xin của hãng Moderna - Ảnh: REUTERS
Dù vậy chính quyền Mỹ đã chuẩn bị xong hệ thống hậu cần rộng khắp để có thể tiến hành ngay việc chuyển giao những lô vắc xin đầu tiên trong 24 giờ sau khi được bật đèn xanh.
Ngày 16-10, những người phụ trách của chính dịch "Warp Speed" của chính quyền Mỹ đã thông báo thiết lập quan hệ đối tác phân phối với các hệ thống nhà thuốc CVS và Walgreens khổng lồ của Mỹ để phân phối vắc xin đến cho 50.000 nhà dưỡng lão trên khắp nước Mỹ.
Tuy vậy, TS Anthony Fauci - Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia (NIAID) của Mỹ, cho rằng người dân Mỹ chớ trông đợi vào việc trở lại cuộc vốn bình thường như trước. Tất cả phụ thuộc vào sự hiệu quả của các loại vắc xin được phê chuẩn và việc tiêm chủng đầy đủ cho người dân.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn với ĐH Johns Hopkins, ông Fauci nhận định: "Có thể là người dân Mỹ chúng ta không còn có thể thấy lại những rạp chiếu phim đông nghẹt người hay những sân vận động kín khán giả trong năm 2021, thậm chí còn sau đó nữa".
Tuy nhiên, nếu mọi việc êm xuôi, khả năng bắt đầu đợt tiêm đầu tiên nhân dịp Tết dương lịch được cho là chưa đủ để ngăn chặn dịch bệnh mà làn sóng thứ 3 đã bắt đầu tại Mỹ.
Tổng thống Mỹ đã hi vọng có vắc xin trước ngày bầu cử 3-11, nhưng ngành công nghiệp đã đồng ý đợi thêm vài tuần nữa, theo yêu cầu của các quan chức y tế, để phát hiện các tác dụng phụ nghiêm trọng có thể xảy ra trong số hàng chục nghìn người tham gia thử nghiệm lâm sàng.
Số ca nhiễm COVID-19 ở Mỹ tính đến sáng 18-10 đã hơn 8,3 trường hợp. Nhưng theo các nhà chuyên môn, con số ghi nhận này chắc chắn thấp hơn nhiều so với thực tế, vì các nghiên cứu về kháng thể cho thấy khoảng 10% dân số Mỹ đã bị nhiễm bệnh, tương ứng với khoảng 30 triệu dân.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online