Cảnh sát Myanmar bên ngoài Đại sứ quán Mỹ tại Yangon sau các vụ nổ chưa rõ nguyên nhân hồi năm 2016 - Ảnh: AFP
Hãng thông tấn AFP trích dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết lệnh sơ tán nhân viên không thiết yếu và gia đình của họ là để bảo vệ sự an toàn cho những người này.
"Sự an toàn và an ninh của các nhân viên Chính phủ Mỹ, người thân của họ cũng như các công dân Mỹ là ưu tiên cao nhất", Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh trong thông báo. Hiện chưa rõ có bao nhiêu người sẽ được đưa khỏi Myanmar và rời đi bằng cách nào.
Hôm 27-3, ngay trong ngày kỷ niệm 76 năm ngày các lực lượng vũ trang Myanmar, trung tâm văn hóa và thông tin American Center của Mỹ ở Yangon đã bị trúng 4 viên đạn. Tòa nhà này nằm trên cùng một con đường với Đại sứ quán Mỹ tại Myanmar và chỉ cách nhau 500m.
Hình ảnh được công bố cho thấy những viên đạn ghim vào lớp cửa kính chống đạn của American Center. Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận sự việc và cho biết không có ai bị thương.
Myanmar đang trong tình trạng bất ổn sau khi quân đội bắt giữ các nhà lãnh đạo của chính quyền dân sự ngày 1-2 với cáo buộc gian lận trong bầu cử. Hội đồng hành pháp nhà nước Myanmar sau đó được thành lập do thống tướng Min Aung Hlaing đứng đầu.
Các cuộc biểu tình phản đối hành động của quân đội đã diễn ra trên khắp Myanmar, đặc biệt tại các thành phố lớn như Yangon, Mandalay sau ngày 1-2.
Thống kê của các tổ chức nhân quyền cho biết đã có hơn 520 người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình kể từ ngày 1-2. Con số được Liên Hiệp Quốc và chính quyền quân sự Myanmar đưa ra thấp hơn.
Cộng đồng quốc tế đã lên án quân đội và lực lượng an ninh Myanmar vì tình trạng bạo lực, đặc biệt trong ngày 27-3. Theo Liên Hiệp Quốc, đã có 107 người chết chỉ tính riêng trong ngày 27-3. Con số được các nhóm nhân quyền đưa ra là 114 người trong khi chính quyền nói chỉ có 45 người thiệt mạng.
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc dự kiến sẽ tổ chức một cuộc họp kín trong ngày 31-3 theo yêu cầu của Anh. Cơ quan này gồm 15 nước thành viên, trong đó có 5 nước có quyền phủ quyết là Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc.
Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về Myanmar, bà Christine Schraner Burgener, dự kiến sẽ có những trình bày về tình hình Myanmar trong cuộc họp kín.
Nhật ngừng viện trợ mới cho Myanmar
Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi Toshimitsu ngày 30-3 xác nhận Tokyo sẽ ngừng các dự án viện trợ mới cho Myanmar để phản đối hành động của quân đội. Tuy nhiên ông Motegi lưu ý Nhật Bản sẽ không có các biện pháp trừng phạt thương mại hay cấm vận kinh tế như phương Tây đang làm với Myanmar.
Hàng ngàn công dân và hàng trăm công ty Nhật Bản đang có mặt tại Myanmar. Theo Reuters, Nhật Bản hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 5 tại nước này.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online