(Ảnh minh họa: elladoro/Shutterstock)
Cụ thể, theo bộ trên, Văn phòng Kiểm soát tài sản nước ngoài (OFAC) đã đưa 13 thực thể và 2 cá nhân vào danh sách trừng phạt mới nhất nhằm vào cơ sở hạ tầng tài chính cốt lõi của Nga, qua đó ngăn chặn Moscow sử dụng hệ thống tài chính quốc tế.
Năm trong số các thực thể nói trên có liên quan đến các cá nhân nằm trong danh sách trừng phạt của OFAC trước đó. Trong số các doanh nghiệp này có Atomyze, công ty công nghệ tài chính do tập đoàn đầu tư Interros Holding của tỷ phú người Nga Vladimir Potanin kiểm soát.
Một số công ty công nghệ tài chính khác cũng nằm trong danh sách trừng phạt của OFAC như Lighthouse, B-Crypto, Masterchain và Veb3 Technology. Theo lệnh trừng phạt, các thực thể và cá nhân nói trên sẽ bị cấm giao dịch bằng đồng USD và sử dụng hệ thống tài chính Mỹ.
Được biết, Mỹ cùng các nước phương Tây đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt nhằm vào các cá nhân và thực thể trong nhiều lĩnh vực của Nga sau khi Moscow tiến hành xâm lược Ukraine vào tháng 2/2022.
Có tới 15.000 mục trừng phạt áp lên từ Chính phủ Nga cho đến các công ty và cá nhân, nhưng nền kinh tế Nga vẫn tiếp tục phát triển. Sự hỗ trợ quân sự từ Triều Tiên và Iran cũng như một số kỹ thuật sáng tạo của Nga đã trở nên hữu ích.
Ông Klaus Larres, nhà phân tích tại Trung tâm Wilson, cho biết Nga rất giàu trí tưởng tượng trong việc sử dụng chất bán dẫn trong các thiết bị như tủ lạnh hoặc các thiết bị gia dụng khác. Họ lấy chất bán dẫn và chip ra khỏi những vật dụng gia đình này và để sử dụng trong thiết bị quân sự.
Nhiều công ty cũng đang tẩy chay Nga. Từ Prada đến IKEA và LG, hơn một ngàn thương hiệu đã hạn chế hoạt động kinh doanh tại Nga hoặc rời khỏi nước này.
Nga đã vượt qua tất cả, một phần nhờ tăng cường quan hệ với Trung Quốc. Kể từ năm 2021, xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga đã tăng hơn 120%. Đổi lại, dầu của Nga chảy sang Trung Quốc.
Ông Kenneth Pomeranz, nhà sử học tại Đại học Chicago, cho biết về phương diện nhập khẩu, Trung Quốc đã trở thành khách hàng dầu và than lớn nhất thế giới của Nga.
Các linh kiện đến từ Trung Quốc xuất hiện ngày càng nhiều sau khi người châu Âu rút khỏi Nga. Nhờ nhập khẩu từ Trung Quốc, kinh tế Nga đang được giữ vững.
Phan Anh