Tổng thống Mỹ Joe Biden ký thành luật nhằm cấm nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân của Nga.

Nhà Trắng cho biết Tổng thống Joe Biden đã ký thành luật lệnh cấm nhập khẩu uranium làm giàu của Nga, trong nỗ lực mới nhất của Washington nhằm gây áp lực lên chiến dịch quân sự của Moscow ở Ukraine.

Lệnh cấm nhập khẩu nhiên liệu cho các nhà máy điện hạt nhân sẽ có hiệu lực sau 90 ngày. Tuy nhiên, lệnh này cũng cấp quyền cho Bộ Năng lượng Mỹ quyền miễn trừ trong trường hợp có lo ngại về nguồn cung.

Điều này có nghĩa là Washington vẫn có thể nhập khẩu uranium làm giàu của Nga nếu họ không tìm được nguồn thay thế.

Nga là nhà cung cấp uranium đã làm giàu hàng đầu thế giới và chiếm khoảng 24% lượng uranium đã làm giàu mà nhà máy điện hạt nhân của Mỹ sử dụng.

Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan cho biết: "Hôm nay, Tổng thống Biden đã ký đạo luật lịch sử nhằm tăng cường an ninh kinh tế và năng lượng của quốc gia chúng ta bằng cách giảm thiểu và cuối cùng là loại bỏ sự phụ thuộc của chúng ta vào Nga về năng lượng hạt nhân dân sự".

Ông Sullivan cho biết đạo luật này "thực hiện các mục tiêu đa phương mà chúng tôi đã đặt ra với các đồng minh và đối tác của mình", bao gồm cả cam kết vào tháng 12 năm ngoái với Canada, Pháp, Nhật Bản và Anh để cùng 4,2 tỷ USD để mở rộng khả năng làm giàu và chuyển đổi uranium.

Các miễn trừ, nếu được Bộ Năng lượng áp dụng, sẽ vẫn cho phép Mỹ nhập được uranium của Nga cho tới năm 2027.

Hồi tháng 2, RIA Novosti trích dẫn số liệu thống kê chính thức cho thấy, Mỹ đã nhập khẩu lượng uranium của Nga trị giá 1,2 tỷ USD vào năm ngoái, mức cao kỷ lục từ trước đến nay.

Mỹ có trữ lượng uranium riêng nhưng không đủ để cung cấp cho ngành điện hạt nhân của nước này. Nga có tổ hợp làm giàu uranium lớn nhất thế giới, chiếm gần một nửa công suất toàn cầu.

Theo một số ước tính, Mỹ sẽ phải mất ít nhất 5 năm đầu tư lớn để phá vỡ sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu uranium đã làm giàu của Nga dùng làm nhiên liệu cho các lò phản ứng hạt nhân.

1 My Tung Don Cam Van Voi Nhien Lieu Hat Nhan Cua Nga​Tổng thống Mỹ Joe Biden (Ảnh: AFP).

Năm ngoái, Trợ lý bộ trưởng năng lượng Mỹ Kathryn Huff thừa nhận với Financial Times rằng, việc Mỹ tiếp tục nhập khẩu một lượng lớn nhiên liệu hạt nhân từ Nga gây ra mối đe dọa "nghiêm trọng" đối với an ninh quốc gia của phía Washington.

Hồi tháng 1, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky chỉ trích phương Tây vì không trừng phạt ngành năng lượng hạt nhân Nga giống như với mặt hàng dầu, khí đốt, than đá.

Ông nói rằng ngành công nghiệp hạt nhân của Nga không bị áp đặt các lệnh trừng phạt toàn cầu báo hiệu "một điểm yếu rõ ràng" của phương Tây.

Theo Nikkei, vị thế của Nga trong thị trường nguyên liệu cho điện hạt nhân có thể tạo ra một thách thức lớn cho các nước phương Tây dù họ đang cố gắng thoát sự phụ thuộc vào năng lượng của Moscow.

Nga sở hữu khoảng 50% cơ sở hạ tầng làm giàu uranium của thế giới. Việc chuyển đổi uranium khai thác từ các mỏ nguyên liệu trở thành uranium làm giàu cho các lò phản ứng hạt nhân thường mất 3-5 năm và việc thay thế nguồn cung không phải là dễ dàng.

Theo Reuters

Nguồn: Báo điện tử Dân trí




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC