Tuy nhiên, theo ông Jeffrey Mankoff, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (Mỹ), ở cấp độ cơ bản, lợi ích của Nga gắn với lợi ích của Trung Quốc hơn là với lợi ích của Mỹ, vì vậy viễn cảnh đối đầu Mỹ-Trung kéo dài sẽ làm tăng tầm quan trọng của một liên minh phi chính thức đối với Bắc Kinh - Moscow.
Trước đó, trong bài phát biểu ngày 23/7 của Ngoại trưởng Mike Pompeo khẳng định chính quyền Trump đang hướng tới cuộc đối đầu cởi mở với Trung Quốc.
Qua đó ông Pompeo gọi cuộc đấu tranh giành tự do với Trung Quốc là “sứ mệnh của thời đại chúng ta”. Đồng thời, ông Pompeo kêu gọi Mỹ và các quốc gia khác có cùng quan điểm tích cực phản đối ảnh hưởng của Trung Quốc trong các thể chế quốc tế, kiềm chế tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và “theo một cách sáng tạo, quyết đoán hơn để gây hấn thực hiện những thay đổi”.
“Cách duy nhất để thật sự làm Trung Quốc thay đổi là hành động không dựa theo những gì các nhà lãnh đạo của họ nói, mà dựa theo cách họ hành xử”, Ngoại trưởng Mỹ nói.
Theo một số nhà quan sát, điều này có nghĩa là Mỹ đang theo đuổi một chiến lược nhằm thay đổi chế độ ở Bắc Kinh.
Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ rơi vào tình thế nguy hiểm trong một cuộc cạnh tranh dài hạn về “những tầm nhìn chiến lược không thể dung hòa”. (Ảnh: Reuters)
Trong khi đó, ông Mankoff nhận định, lời kêu gọi này hầu như không “nói gì” về một cường quốc và đối thủ khác của Mỹ - Nga. Theo ông Mankoff, việc quay sang đối đầu với Trung Quốc dường như dựa trên ý tưởng rằng Nga trong quá trình chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc sẽ là đối tác, “nếu không phải là một đối tác, thì ít nhất là một nhà quan sát không quan tâm”.
Tuy nhiên, quan điểm cho rằng Nga có thể trung lập trong cuộc đối đầu giữa Mỹ - Trung là quá lạc quan, bất chấp danh sách mâu thuẫn trong quan hệ Trung - Nga ngày càng tăng trong thời gian gần đây.
National Interest cho biết, về nhiều khía cạnh, quan hệ giữa Moscow - Bắc Kinh là một chiều. Trung Quốc là đối tác thương mại chính của Nga cũng như là nguồn đầu tư nước ngoài. Trung Quốc cũng "vượt mặt" Nga và trở thành nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới. Nhưng các quan chức và nhà phân tích Nga nhấn mạnh họ không coi Trung Quốc là một mối đe dọa.
“Cho dù những mối quan hệ này có thể là một chiều như thế nào, Nga đánh giá cao thực tế là Bắc Kinh không giống như Washington và các đồng minh châu Âu. Trung Quốc coi Vladimir Putin là một đối tác hợp pháp”, National Interest nhận định.
Ngoài ra, ông Mankoff cũng lưu ý, đối với Nga viễn cảnh đối đầu Mỹ - Trung là “một con dao hai lưỡi”. Một mặt, điều này làm cho tình bạn của Moscow trở thành một “thứ hàng hóa có giá trị hơn” và cung cấp cho Nga đòn bẩy mạnh mẽ hơn trong quan hệ song phương với Trung Quốc. Ngoài ra, lựa chọn này làm tăng khả năng Bắc Kinh tiến gần hơn đến quan điểm công khai xét lại quan hệ của Moscow đối với trật tự quốc tế.
Tuy nhiên, “Moscow cũng sẽ phải trả giá nếu nền kinh tế Trung Quốc bị tổn hại thêm bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ và các biện pháp trừng phạt khác”. Nhưng rất khó để hình dung một kịch bản mà Nga sẽ ủng hộ các nỗ lực của Mỹ chống lại Trung Quốc, hoặc thậm chí áp dụng quan điểm trung lập.
“Không nghi ngờ gì nữa, Moscow sẽ cố gắng sử dụng bất kỳ cuộc đối đầu Mỹ - Trung nào để thúc đẩy lợi ích của chính mình. Ở cấp độ cơ bản nhất lợi ích của nước Nga của ông Putin gắn liền với lợi ích của Trung Quốc hơn là với lợi ích của Mỹ.
Viễn cảnh một cuộc đối đầu Mỹ - Trung sâu hơn và kéo dài hơn sẽ làm tăng tầm quan trọng của một liên minh không chính thức như vậy đối với cả Bắc Kinh và Moscow”, National Interest nhấn mạnh.
Cuộc đối đầu Mỹ - Trung đến nay đã lan sang nhiều mặt trận, từ thương mại và công nghệ, tự do báo chí, sinh viên và nhà khoa học cho tới tôn giáo, quyền con người và cuộc đua tìm vắc-xin ngừa Covid-19. Tuy nhiên, giới phân tích đánh giá cuộc đối đầu vẫn chưa dừng lại ở đó.
Thanh Bình (lược dịch)
Nguồn: infonet.vietnamnet.vn