Chính phủ sẽ gánh chịu mọi chi phí để đảm bảo vào cuối tháng 6 năm sau có đủ nguồn cung cho cả nội địa và nước ngoài. Số tiền được trích từ quỹ dự trữ theo ngân sách bổ sung tài chính năm 2020 là 670 tỷ yên (6,3 tỷ USD).
Kế hoạch dự kiến sẽ được công bố tại cuộc họp ban cố vấn Bộ Y tế vào đầu tuần tới. Với quyết định này, Nhật Bản kỳ vọng khuyến khích công dân tiêm phòng ngay sau khi vaccine ra mắt. Đây cũng là một phần trong nỗ lực chuẩn bị cho sự bùng phát của cả Covid-19 và cúm mùa vào thời điểm thu đông. Hôm 1/10, nước này bắt đầu triển khai chương trình chủng ngừa cúm mùa trên toàn quốc.
Trước đó, Nhật Bản đã ký kết các thỏa thuận cơ bản để nhận nguồn cung từ hãng dược Pfizer của Mỹ và AstraZeneca của Anh, những đơn vị đang dẫn đầu cuộc đua phát triển vaccine.
Tại cuộc họp Nội các ngày 8/9, chính phủ quyết định sử dụng quỹ dự trữ để đảm bảo số lượng liều tiêm cho người dân. Hiện nay, quốc gia đang chuẩn bị cơ sở vật chất cần thiết để phân phối vaccine, trong trường hợp sản phẩm được phê duyệt vào cuối năm nay.
Bác sĩ giám sát các nhân viên trong khu hồi sức tích cực tại một bệnh viện ở Kawasaki, tháng 5/2020. Ảnh: Reuters
Tiểu ban chuyên trách đối phó Covid-19 cho biết y bác sĩ, người cao tuổi và có bệnh lý nền sẽ được ưu tiên tiêm chủng. Bộ Y tế sẽ thảo luận về phạm vi độ tuổi và những đối tượng ưu tiên khác, biên soạn một kế hoạch cụ thể vào mùa thu năm nay.
Ngoài kinh phí mua vaccine, chính phủ có thể hỗ trợ từng địa phương trong công tác cung cấp vaccine đến người dân. Nguồn cung dự kiến đạt 15-20 triệu liều trong nửa đầu tháng 10, có thể chạm mức tối đa trong tháng 11.
Để đáp ứng nhu cầu của người dân với số lượng vacine có sẵn, Bộ kêu gọi chủng ngừa cho những người từ 65 tuổi trở lên, bệnh nhân tiền sử suy tim, suy hô hấp trong độ tuổi từ 60-64. Đây là nhóm cần sử dụng vaccine thường xuyên theo đạo luật tiêm phòng.
Tính đến ngày 2/10, Nhật Bản ghi nhận hơn 83.000 trường hợp dương tính và 1.571 ca tử vong.
Thục Linh (Theo Japan Times)
Nguồn: vnexpress.net