Politico hồi tháng 2 dẫn 4 nguồn thạo tin cho biết một số quốc gia Arab "ngày càng hạn chế" Mỹ và đối tác phương Tây sử dụng lãnh thổ của họ để phát động đòn đáp trả các nhóm vũ trang, dân quân được Iran hậu thuẫn ở Iraq, Syria. Những nước này "đang tìm cách giảm căng thẳng với Iran".
Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) là quốc gia được nhắc đến nhiều nhất. Wall Street Journal ngày 3/5 dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết UAE hồi tháng 2 yêu cầu lực lượng Mỹ ở căn cứ không quân Al Dhafra, gần Abu Dhabi, phải báo trước cho giới chức sở tại nếu triển khai chiến đấu cơ, UAV tập kích mục tiêu ở Yemen và Iraq.
UAE "không muốn bị hiểu là họ chống lại Iran, và cũng không muốn quá thân thiết với phương Tây, Israel vì quan điểm của công chúng", theo một quan chức phương Tây.
Động thái khiến các chỉ huy Mỹ quyết định triển khai thêm khí tài đến căn cứ không quân Al Udeid ở Qatar, quốc gia chưa áp hạn chế tương tự. Điều này phần nào còn phản ánh căng thẳng giữa Mỹ và các đồng minh Arab. Họ cho phép lực lượng Mỹ đồn trú nhưng cũng đề phòng nguy cơ bị cuốn vào xung đột ở khu vực, trong bối cảnh chiến sự Israel - Hamas chưa có dấu hiệu kết thúc.
Tiêm kích F-16 Mỹ chuẩn bị khởi hành từ căn cứ hỗn hợp Langley-Eustis, bang Virginia đến căn cứ Al Udeid, Qatar hồi tháng 6/2019. Ảnh: Reuters
Mỹ có khoảng 40.000 binh sĩ đồn trú tại Trung Đông cùng nhiều khí tài bố trí tại các nước như Arab Saudi, UAE, Kuwait. Tại UAE, lực lượng Mỹ đồn trú tại Al Dhafra. Al Udeid ở Qatar là nơi Mỹ đặt trung tâm chỉ huy khu vực.
Căng thẳng gia tăng sau khi chiến sự Israel - Hamas bùng phát tháng 10/2023. Các nhóm vũ trang được Iran hậu thuẫn ở Iraq, Yemen tập kích nhằm vào Israel, căn cứ Mỹ tại khu vực cùng tàu hàng liên quan Tel Aviv đi qua Biển Đỏ để thể hiện sự ủng hộ người Palestine. Lực lượng Mỹ tập kích đáp trả vào Iraq, Syria và Yemen.
Tháng 10/2023, hai tiêm kích Mỹ F-16 không kích vào hai cơ sở mà Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) sử dụng ở miền đông Syria. Lầu Năm Góc khi đó không nêu điểm xuất kích, nhưng sự chú ý đều dồn về Al Dhafra, do nơi này thường tiếp nhận F-16 Mỹ và có vị trí địa lý thuận lợi.
Lầu Năm Góc sau đó dừng công bố loại tiêm kích được sử dụng trong những đợt tập kích tiếp theo. Các đòn nhằm vào Houthi từ tháng 1 do tiêm kích F/A-18 xuất kích từ tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower trên vùng biển quốc tế ở Địa Trung Hải thực hiện.
Những nơi Mỹ có lực lượng đồn trú ở Trung Đông. Đồ họa: CNN
UAE lo ngại có thể bị các nhóm ủng hộ Iran nhắm mục tiêu nếu Abu Dhabi công khai hỗ trợ các chiến dịch của Washington. Houthi từng hai lần phóng tên lửa nhằm vào căn cứ Mỹ ở UAE tháng 1/2022, trong đó một vụ khiến ba người thiệt mạng.
"Các hạn chế áp dụng với nhiệm vụ của Mỹ có mục tiêu ở Iraq và Yemen", một quan chức UAE lý giải, thêm rằng Mỹ đã chậm hành động bảo vệ đồng minh hồi đầu năm 2022. "Những hạn chế này bắt nguồn từ quan điểm tự phòng vệ".
USS Dwight D. Eisenhower khả năng cao sẽ rời khu vực vào mùa hè và Washington chưa có khí tài hiện diện thay thế. USS Dwight D. Eisenhower rời đi càng khiến Lầu Năm Góc phải hành động nhanh hơn.
Ngoài UAE, Arab Saudi, Oman, Kuwait cũng đang có động thái để ngăn chiến đấu cơ Mỹ bay qua không phận trong trường hợp Washington tập kích đáp trả Tehran.
Xu hướng này đã khiến Mỹ gặp trở ngại khi lên kế hoạch đề phòng Iran tấn công Israel để trả đũa vụ đại sứ quán Tehran ở Syria bị không kích làm 13 người chết, trong đó có 7 thành viên IRGC, hồi đầu tháng 4. Syria và Iran cáo buộc Israel đứng sau nhưng Tel Aviv không xác nhận.
Iran ngày 14/4 đã phóng 300 tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và UAV vào Israel. Động thái đánh dấu lần đầu tiên Iran khai hỏa từ lãnh thổ để tấn công Israel, nhưng dường như có tính toán để không gây tổn thất đáng kể, tránh leo thang căng thẳng. Arab Saudi và UAE chia sẻ tin tình báo giúp Israel phòng thủ, nhưng từ chối công khai vai trò cụ thể.
Một nguồn thạo tin cho biết Mỹ đang thu xếp để triển khai thêm chiến đấu cơ, máy bay trinh sát và UAV vũ trang đến Al Udeid, Qatar. UAV là yếu tố đặc biệt quan trọng trong các đợt tập kích của Mỹ vào mục tiêu Houthi ở Yemen.
Tuy nhiên, Mỹ vẫn chưa thể ngăn Houthi nhắm vào tàu hàng liên quan Israel ở Biển Đỏ, thậm chí Israel - Hamas đình chiến cũng chưa chắc khiến Houthi dừng tay, Avril Haines, giám đốc tình báo quốc gia Mỹ, nói trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện ngày 2/5.
Ngoài chuyển địa điểm triển khai chiến dịch về Qatar, Mỹ được cho là còn đang cân nhắc phát động tập kích từ Djibouti, Đông Phi.
Sabrina Singh, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, từ chối bình luận về nội dung các thỏa thuận căn cứ của Mỹ ở Trung Đông, nhưng khẳng định "đây là yếu tố quan trọng trong nỗ lực phối hợp với đồng minh và đối tác của Washington để hỗ trợ cho an ninh, ổn định tại khu vực".
Như Tâm (Theo Wall Street Journal, Middle East Eye)
Nguồn: VNEXPRESS.NET