Hàng trăm triệu người Trung Quốc đang di chuyển trên khắp nước này sau gần một năm chịu cách ly, phong tỏa và nhiều biện pháp hạn chế đi lại.

Bắt đầu từ hôm 1-10, ước tính khoảng 550 triệu người ở Trung Quốc đi lại nhân dịp quốc khánh của nước này. Kỳ nghỉ "Tuần lễ vàng" năm nay kéo dài 8 ngày, nhiều hơn một ngày so với năm ngoái vì trùng với Tết Trung thu.

"Du lịch phục thù"

Các quan chức Trung Quốc đang hăng hái khuyến khích nhu cầu đã bị dồn nén trong nhiều tháng qua của người dân vì đại dịch COVID-19 - thứ được truyền thông Trung Quốc mô tả là "du lịch phục thù" (hay phục thù du lịch). Hãng tin Tân Hoa xã đăng dòng tít: "Nhu cầu "phục thù" đến rồi, thị trường du lịch có thể đón nhận được không?".

Thuật ngữ trên phản ánh mong muốn của giới chức Trung Quốc về việc người dân sẽ đi du lịch và xài tiền nhiều hơn mức bình thường trong dịp này. Báo Tham Khảo Kinh Tế của Trung Quốc mô tả kỳ nghỉ "Tuần lễ vàng" năm nay là "trận đánh then chốt" đối với ngành du lịch.

Theo Công ty lữ hành Qunar, dự kiến có hơn 15 triệu người đi bằng máy bay trong suốt giai đoạn này, tăng 10% so với năm ngoái. Còn theo trang du lịch Fliggy của Tập đoàn Alibaba, lượng đặt phòng khách sạn trong "Tuần lễ vàng" đã tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm 2019. 

"Nhu cầu du lịch bị kìm lại trong 9 tháng qua có lẽ sẽ được giải phóng trong 8 ngày này" - trang du lịch trực tuyến Trip.com đánh giá, đồng thời ước tính số lượt người đi lại trong kỳ nghỉ này có thể lên tới 600 triệu.

Để khuyến khích, hơn 500 khu du lịch, thắng cảnh trên khắp Trung Quốc đã đưa ra chính sách giảm hoặc miễn phí vé vào cổng. Chẳng hạn chỉ riêng tỉnh Hồ Bắc - từng là tâm dịch COVID-19 của Trung Quốc, có tới 400 khu du lịch miễn phí vé vào cổng với du khách toàn quốc.

42 1 Nua Ti Nguoi Trung Quoc Di Du Lich Sau Gan 1 Nam Cach Ly Phong Toa

Người đông nghẹt tại khu tham quan quanh hồ Hậu Hải ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 2-10 - Ảnh: Reuters

Vui nhưng vẫn lo

Hình ảnh được truyền thông đăng trong tuần này cho thấy du khách Trung Quốc xuất hiện đông nghẹt tại ga xe lửa Hán Khẩu ở thành phố Vũ Hán cho tới các điểm tham quan như Vạn lý trường thành ở Bắc Kinh hay Lạc Sơn Đại Phật ở tỉnh Tứ Xuyên. 

Tuy nhiên, ít nhiều chuyện đi du lịch trong "Tuần lễ vàng" ở Trung Quốc năm nay sẽ khác hơn mọi năm do đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc. Năm ngoái, gần 800 triệu người ở Trung Quốc đã di chuyển trong kỳ nghỉ này.

Theo Bộ Du lịch Trung Quốc, các điểm du lịch mở cửa trong suốt "Tuần lễ vàng" cần áp dụng các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát dịch như kiểm tra thân nhiệt, kiểm soát đám đông... Lượng du khách được tiếp nhận là 75% so với mức tối đa thường ngày. 

Các trường đại học của Trung Quốc cũng áp dụng nhiều biện pháp để hạn chế sinh viên đi lại. Chẳng hạn Đại học Sư phạm Tây Hoa ở tỉnh Tứ Xuyên đầu tuần này thông báo với sinh viên rằng kỳ nghỉ lễ 8 ngày năm nay sẽ giảm còn 5 ngày vì các lý do sức khỏe.

"Tuần lễ vàng" ở Trung Quốc năm nay cũng cho thấy đại dịch đã tái định hình các chuyến du lịch ra sao. Hầu hết các năm hàng triệu người Trung Quốc đi ra nước ngoài trong kỳ nghỉ này, nhưng năm nay họ có ít lựa chọn hơn và chỉ có thể đi quanh quẩn bên trong lãnh thổ Trung Quốc.

Báo New York Times dẫn lời cô Li, nhân viên một hãng lữ hành ở Thượng Hải, cho rằng việc phục hồi hoàn toàn ngành du lịch vẫn còn xa. "Mọi công ty đều đang cố gắng nghĩ cách để tồn tại, chứ không phải cách kiếm thêm tiền" - Li bình luận.

Thúc đẩy tiêu dùng toàn quốc

Không ca bệnh COVID-19 trong cộng đồng nào được ghi nhận tại Trung Quốc đại lục kể từ ngày 15-8. Các nhà máy, khu vui chơi giải trí, cửa hàng... khắp nước này đã mở lại. Tại Vũ Hán, hàng ngàn người đứng san sát nhau khi dự một bữa tiệc dưới hồ bơi hồi giữa tháng 8, thu hút sự chú ý của người dân quốc tế.

Bộ Thương mại Trung Quốc đã tuyên bố giai đoạn từ ngày 9-9 tới 8-10 năm nay là "tháng thúc đẩy tiêu dùng toàn quốc" ở nước này với khẩu hiệu "Tận hưởng tiêu dùng vì một cuộc sống tốt đẹp".

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC