Báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết, đại dịch Covid-19 gây tổn thất nặng nề hơn gấp bốn lần so với những tổn thất của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009.
Cụ thể, tăng trưởng kinh tế tại các quốc gia thuộc nhóm G20 (gồm 19 quốc gia và EU, chiếm 80% hoạt động kinh tế toàn cầu) trong từ tháng 4 đến tháng 6 năm nay đã giảm kỷ lục 6,9%. Mức giảm này lớn hơn nhiều so với mức giảm 1,9% trong quý I/2009. Nguyên nhân chủ yếu do các chính sách phong tỏa, hạn chế để phòng ngừa dịch bệnh.
Trong số các nước G20, GDP quý II/2020 của Trung Quốc tăng 3,2% so với cùng kỳ và tăng 11,5% so với quý I/2020. Trong khi đó, 19 quốc gia còn lại giảm trung bình 11,8% so với quý trước. Ấn Độ giảm mạnh nhất (25,2%), Anh giảm 20,4%, Mỹ giảm 9,1%, khối đồng tiền chung Euro giảm gần 15%; có 8 quốc gia có mức giảm ở mức hai con số.
Ngày 15/9, Tổng cục Thống kê Trung Quốc công bố số liệu kinh tế Trung Quốc trong tháng 8, theo đó, nhìn chung, kinh tế Trung Quốc trong tháng 8 tiếp tục phục hồi ổn định. Tuy nhiên, môi trường quốc tế còn nhiều biến động, mâu thuẫn mang tính kết cấu trong nước vẫn còn nổi bật, áp lực về ổn định việc làm, ổn định doanh nghiệp, bảo đảm sinh kế của người dân còn lớn.
GDP quý II/2020 của Trung Quốc tăng 3,2% so với cùng kỳ và tăng 11,5% so với quý I/2020. (Nguồn: Forbes Việt Nam)
Trong giai đoạn tiếp theo, Trung Quốc cần kiên trì chiến lược tổng thể tiến lên trong ổn định, kiên trì cải cách kết cấu theo hướng trọng cung; trên cơ sở phát triển kinh tế chất lượng cao và xây dựng bố cục “tuần hoàn kép”, tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế song song với phòng chống dịch; dùng cải cách để kích thích sức sống mới, dùng đổi mới công nghệ để thúc đẩy động lực mới.
Trong một tin khác, mới đây, Viện Nghiên cứu tài chính Trung Quốc đã công bố báo cáo “Cơ sở hạ tầng mới, động năng mới, hành trình mới", xác định cơ sở hạ tầng kiểu mới là công cụ quan trọng của nền kinh tế số và có thể kỳ vọng hiệu ứng tăng trưởng kinh tế theo cấp số nhân.
Báo cáo chỉ ra rằng, các công ty công nghệ là những “ngọn cờ tiên phong” đi đầu trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng kiểu mới của Trung Quốc, mở ra triển vọng phát triển kinh tế Trung Quốc. Báo cáo lựa chọn 10 công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc và chia các công ty này thành 3 cấp độ.
Cấp độ thứ nhất là những gã khổng lồ công nghệ có thực lực hùng hậu: Huawei, Alibaba và Tencent. Cấp độ thứ hai là các công ty kỳ cựu nổi tiếng về công nghệ: Lenovo, BOE và Ziguang. Cấp độ thứ 3 là các công ty công nghệ tiên tiến như Ningde Times, HKUST iFlytek, Inovance Technologies và NavInfo. Trong số 10 công ty trên có tới 9 công ty (ngoại trừ Huawei) đã niêm yết với tổng giá trị vốn hóa thị trường là 10,1 nghìn tỷ Nhân dân tệ.
Việt An (Tổng hợp)
Nguồn: Báo Quốc tế