Chính sách cứng rắn nhưng dễ đoán
Hãng tin Reuters (Anh) ngày 8/11 nhận định, sau khi tuyên bố thắng cử, ông Joe Biden chưa xây dựng chiến lược chi tiết về Trung Quốc nhưng mọi dấu hiệu cho thấy ông sẽ tiếp tục có thái độ cứng rắn với Bắc Kinh.
Đồng thời, có rất ít dấu hiệu cho thấy, Bắc Kinh sẽ tìm được chứng cứ chứng minh rằng Biden là người thay thế mềm mỏng cho Tổng thống Donald Trump.
Thậm chí, ngay trước khi ông Trump lên nắm quyền, chính quyền đảng Dân chủ dưới nhiệm kỳ cựu Tổng thống Barack Obama và cựu Phó Tổng thống Joe Biden, cũng tỏ rõ thái độ cứng rắn đối với Trung Quốc.
Theo giới quan sát, so những lời đe dọa trực tiếp của Tổng thống Trump đối với Trung Quốc, giọng điệu của ông Biden sẽ thận trọng hơn, nhấn mạnh "cạnh tranh chiến lược" thay vì đối đầu trực tiếp.
Tuy nhiên, nếu tấn công Trung Quốc, ông Biden có khi còn đi xa hơn cả Tổng thống Trump. Chiến dịch của ông Biden từng chỉ trích mạnh mẽ chính sách về người Hồi giáo ở Tân Cương của chính quyền Trung Quốc, thái độ đó được đánh giá là đi xa hơn so với thái độ hiện tại của chính quyền Tổng thống Trump. Nếu định nghĩa của Mỹ về vấn đề Tân Cương chính thức được thiết lập, thì nó sẽ có tác động rất lớn.
Tháng 3 năm nay, vào thời điểm bùng phát đại dịch Covid-19, ông Biden đã tuyên bố rằng "Mỹ thực sự cần có thái độ cứng rắn đối với Trung Quốc".
Wendy Cutler, một cựu quan chức ngoại giao kiêm đại diện đàm phán thương mại của Mỹ, chỉ ra rằng "chính sách về Trung Quốc của chính quyền Biden sẽ mang tính chiến lược và dễ đoán hơn".
Ông Biden được cho vẫn giữ quan điểm cứng rắng với Trung Quốc khi ông chính thức lên nắm quyền. Ảnh: AP
Tờ Financial Times (Anh) ngày 8/11 cũng nói rằng, dù đảng nào lên nắm quyền cũng không làm thay đổi đáng kể quan hệ Trung-Mỹ. Thái độ của đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đối với chính phủ Trung Quốc về cơ bản là giống nhau, chẳng qua là triển khai theo những cách thức khác nhau. Đảng Dân chủ rõ ràng cảm thấy rằng Trung Quốc vẫn là một đối thủ có thể thương lượng được, trong khi phe diều hâu trong đảng Cộng hòa rõ ràng coi Trung Quốc là một đối thủ.
Theo tờ này, sự chuyển giao nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ là cơ hội để điều chỉnh chiến lược quan hệ Trung-Mỹ. Điều này có nghĩa là một cơ hội mới đang mở ra. Lúc này, quay trở lại con đường hợp tác, mở cửa để thúc đẩy cải cách có vẻ thực tế hơn.
Hoàn cầu: Không nên ảo tưởng
Vào ngày 8/11, Thời báo Hoàn cầu - phụ bản của báo đảng Trung Quốc Nhân dân nhật dẫn các phân tích cho rằng, những cuộc xung đột cường độ cao do chính quyền Tổng thống Trump phát động, bao gồm cả chiến tranh thương mại, đã thiết lập lại môi trường chung của quan hệ Trung-Mỹ và thay đổi toàn bộ tư duy nhằm vào Trung Quốc của giới tinh hoa Mỹ. Khi trở thành Tổng thống Mỹ tiếp theo, ông Biden sẽ tiếp quản cục diện mới trong quan hệ Trung-Mỹ và vẫn giữ thái độ cứng rắn cơ bản với Trung Quốc.
Về vấn đề Tân Cương, Hồng Kông, không thể loại trừ việc chính phủ của đảng Dân chủ sẽ thể hiện thái độ gay gắt hơn, tức đối với quan hệ Trung-Mỹ, Washington sẽ tăng cường gây áp lực chứ không có khả năng nới lỏng.
"Chính quyền Tổng thống Trump đã sử dụng quá mức các chính sách cứng rắn đối với Trung Quốc và gần như tất cả các quân bài tốt của họ đều bị ném lên bàn, điều này đã làm giảm đáng kể nguồn lực để chính quyền ông Biden thực hiện một chính sách "cứng rắn hơn" đối với Trung Quốc. Cho đến nay, quan hệ Trung - Mỹ vốn rất bất bình thường, căng thẳng giữa hai bên rất không phù hợp với lợi ích thực tế của hai nước. Trong những năm qua, Washington thực sự coi Trung Quốc là “kẻ thù”, còn Trung Quốc và Mỹ quả thực không phải là quan hệ thù địch. Hai nước tồn tại cạnh tranh gay gắt nhưng sự dung hợp lợi ích song phương rộng rãi mới là sự thật", Hoàn cầu viết.
Tờ này nhấn mạnh, tất nhiên, đảng Dân chủ kiên định hơn về giá trị quan nhưng với tư cách là hai cường quốc, Trung Quốc và Mỹ khó có thể sa vào đối đầu chiến lược chỉ vì xung đột giá trị quan. Ngoài ra, ông Biden sẽ chú ý nhiều hơn đến việc củng cố liên minh xuyên Đại Tây Dương, nhưng liên minh giữa Mỹ và phương Tây về cơ bản không được xây dựng để đối phó với Trung Quốc. Nếu Washington cố gắng áp dụng liên minh ban đầu vào mối quan hệ với Trung Quốc, thì nhất định sẽ chịu sự ràng buộc nhất định từ các nước đồng minh. Những đồng minh này của Mỹ có nhiều lợi ích kinh tế và thương mại với Trung Quốc, và họ khó có thể sẵn sàng đối đầu với Trung Quốc để củng cố quan hệ đồng minh với Mỹ. Đó nhất định phải là một quá trình tạo sự cân bằng nhất định.
Bài xã luận chỉ ra rằng Trung Quốc không cần ảo tưởng về khả năng làm dịu quan hệ Trung-Mỹ của ông Biden nhưng cũng không nên suy yếu niềm tin vào việc cải thiện quan hệ Trung-Mỹ.
Theo Tổ Quốc