Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc vận động tranh cử tại sân bay Kenosha ở Kenosha, bang Wisconsin hôm 2-11, một ngày trước bầu cử - Ảnh: REUTERS
"Theo một báo cáo của trang tin Axios và được Fox News xác nhận, chiến dịch tranh cử của ông Trump lên kế hoạch đi theo con đường ít truyền thống hơn trong việc thách thức kết quả bầu cử, gồm tổ chức 'một loạt cuộc mitting' tập trung vào những nỗ lực pháp lý đang diễn ra của họ tại nhiều bang khắp nước Mỹ" - Đài Fox News đưa tin ngày 9-11.
Theo Fox News, cùng với các cuộc vận động, ông Trump cũng có kế hoạch công bố cáo phó của "những người được cho đi bỏ phiếu nhưng thật sự đã chết" để làm bằng chứng cho nghi vấn gian lận bầu cử. Đài CNN dẫn các nguồn tin cũng tiết lộ thông tin tương tự về kế hoạch của ông Trump.
Chiến dịch tranh cử của ông Trump cũng đang điều động các đội ngũ tái kiểm phiếu làm việc tại bang Georgia, Arizona và Pennsylvania. Trong đó, hạ nghị sĩ Đảng Cộng hòa Doug Collins đang dẫn đầu nỗ lực này tại bang Georgia.
Ông Trump đã tuyên bố sẽ có hành động pháp lý trong những ngày tới khi ông từ chối công nhận thất bại trước ứng viên Đảng Dân chủ Joe Biden.
Hãng tin Reuters dẫn các nguồn tin cho hay Đảng Cộng hòa đang vận động số tiền ít nhất 60 triệu USD để hỗ trợ Tổng thống Trump kiện tụng liên quan kết quả bầu cử.
Trên Twitter, luật sư Rudy Giuliani của ông Trump ngày 8-11 còn viết: "Việc Tổng thống Donald Trump dẫn trước 800.000 phiếu trong đêm bầu cử đã bị xóa sạch bởi hàng trăm ngàn phiếu gửi qua thư được kiểm đếm mà không có bất kỳ sự giám sát nào của Đảng Cộng hòa".
Liên quan cáo buộc cử tri đã chết nhưng vẫn đi bỏ phiếu, chiến dịch tranh cử của ông Trump cho rằng có hơn 21.000 phiếu bầu được bỏ tại bang Pennsylvania có tên cử tri đã chết.
Thông tin trên bắt nguồn từ đơn kiện của một nhóm pháp lý bảo thủ chống lại tổng thư ký của bang Pennsylvania. Họ cáo buộc bà đưa khoảng 21.000 người được cho đã chết vào danh sách cử tri.
Thẩm phán liên bang John Jones cho biết ông nghi ngờ về thông tin này và đã yêu cầu bằng chứng.
Còn báo New York Times đã làm cuộc "kiểm tra sự thật" và tuyên bố: "Không đâu! 21.000 người chết ở Pennsylvania không có bầu".
New York Times cho biết tin đồn tương tự cũng xuất hiện tại bang Michigan, nhưng họ khẳng định cử tri tại bang Michigan vẫn còn sống và đi bầu hợp pháp. Trong một số trường hợp, ngày sinh không hiển thị chính xác do "sai sót khi biên chép".
Fox News dẫn dữ liệu của Hãng tin AP cho rằng thậm chí nếu không tính 21.000 phiếu bầu trên, ông Biden vẫn dẫn trước ông Trump với hơn 20.000 phiếu tại bang Pennsylvania.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online