Ngày 23-3, Pfizer cho biết đã bắt đầu thử nghiệm giai đoạn đầu ở Mỹ về liệu pháp kháng virus Covid-19 đường uống có thể được kê đơn cho bệnh nhân khi có dấu hiệu nhiễm bệnh đầu tiên.

42 1 Pfizer Bat Dau Thu Nghiem Thuoc Covid 19 Duong Uong

Pfizer là hãng dược phẩm đã phát triển vaccine ngừa Covid-19 được cấp phép đầu tiên ở Mỹ cùng với BioNTech Đức. Công ty cho biết, ứng cử viên kháng virus này cho thấy hoạt động mạnh mẽ chống lại SARS-CoV-2, virus gây ra Covid-19, trong các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm.

Ứng cử viên thuốc kháng virus của Pfizer, được đặt tên là PF-07321332, là một chất ức chế protease ngăn chặn virus nhân lên trong tế bào.

Công ty cho biết, các chất ức chế protease đã có hiệu quả trong việc điều trị các mầm bệnh virus khác như HIV và virus viêm gan C, trong cả trường hợp riêng thuốc này và kết hợp với các loại thuốc kháng virus khác.

Pfizer tin rằng lớp phân tử này có thể cung cấp các phương pháp điều trị dung nạp tốt chống lại Covid-19, vì chưa có mối lo ngại nào về an toàn được báo cáo với các phương pháp điều trị cùng dòng hiện có trên thị trường.

Công ty cũng đang nghiên cứu một ứng cử viên kháng virus tiêm tĩnh mạch trong một thử nghiệm giai đoạn đầu trên bệnh nhân Covid-19 nhập viện.

“Cả ứng viên uống và tiêm tĩnh mạch có tiềm năng tạo ra một mô hình điều trị từ đầu đến cuối bổ sung cho việc tiêm chủng trong những trường hợp bệnh vẫn xảy ra”, Giám đốc Y tế của Pfizer Mikael Dolsten cho biết trong một tuyên bố.

Trước ứng cử viên của Pfizer, hai liệu pháp kháng virus đường uống khác cũng đang trong giai đoạn thử nghiệm. Phương pháp đầu tiên do đối thủ Merck cùng Ridgeback Bio phát triển, và phương pháp thứ hai là do Roche Holding và Atea Pharmaceuticals phát triển.

Remdesivir của Gilead Sciences hiện là loại thuốc duy nhất được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) chấp thuận để điều trị Covid-19.

Ý YÊN (Theo Reuters)

Nguồn: nhandan.com.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC