Bà Marine Le Pen. (Nguồn: Getty Images)
Ngày 11/6, lãnh đạo đảng cánh hữu chính Những người Cộng hòa (LR) của Pháp tuyên bố ủng hộ liên minh với phe cực hữu của bà Marine Le Pen trong cuộc bầu cử lập pháp sớm sắp tới.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử chính trị hiện đại của Pháp khi lãnh đạo của một đảng truyền thống lại ủng hộ liên minh với đảng cực hữu Tập hợp quốc gia (RN).
Thông báo bất ngờ trên được lãnh đạo LR Eric Ciotti đưa ra trong một cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình TF1.
Ông Ciotti khẳng định đảng LR cần liên minh với RN và các ứng cử viên của đảng này, đồng thời cho biết đã tổ chức các cuộc thảo luận với ứng cử viên Tổng thống Le Pen và lãnh đạo đảng RN Jordan Bardella.
Về phần mình, bà Le Pen đánh giá cao "sự lựa chọn dũng cảm" và "tinh thần trách nhiệm" của ông Ciotti, cho đây là bước đột phá lịch sử bởi phe cánh hữu vốn có truyền thống từ chối hợp tác với phe cực hữu tại Pháp.
Bà Le Pen đồng thời bày tỏ hy vọng nhiều thành viên của đảng LR cũng sẽ có động thái tương tự.
Ngày 9/6 vừa qua, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tuyên bố giải tán Quốc hội và đề nghị tổ chức bầu cử lập pháp sớm sau khi liên minh ôn hòa của ông thất bại trước lực lượng cánh hữu trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP).
Tổng thống Macron ấn định cuộc bầu cử Quốc hội (Hạ viện) sẽ được tổ chức vào ngày 30/6 và vòng bỏ phiếu thứ hai vào ngày 7/7.
Theo kết quả thăm dò ý kiến đầu tiên được công bố ngày 10/6, đảng RN được dự đoán sẽ giành nhiều phiếu bầu nhất nhưng không giành được đa số tuyệt đối.
Ngày 11/6, cựu Thủ tướng Pháp Edouard Philippe kêu gọi các lực lượng ôn hòa của đất nước, từ những người theo chủ nghĩa xã hội đến những người bảo thủ, cùng hợp lực để “xây dựng điều có lợi cho đất nước."
Chỉ còn chưa đầy 3 tuần nữa là đến vòng 1 cuộc bầu cử Quốc hội, Tổng thống Macron đang phải đối mặt với các liên minh đối lập ở cả cánh tả và cánh hữu trong bối cảnh giới phân tích cho rằng “ván cược” của ông Macron có thể đem lại kết quả không như mong đợi.
Tuy nhiên trong một cuộc phỏng vấn cùng ngày 11/3, ông Macron đã loại trừ khả năng sẽ từ chức bất kể kết quả bỏ phiếu ra sao./.