Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky (Ảnh: AFP).
Pravda đưa tin, tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 7/6, Tổng thống Pháp Macron đã công bố kế hoạch lập một liên minh đáp ứng đề nghị của Ukraine về việc huấn luyện quân trên đất Ukraine.
"Chúng tôi quyết định thành lập một liên minh và một số đối tác của chúng tôi đã đồng ý. Chúng tôi biết rằng mình sẽ không đơn độc. Và chúng tôi sẽ sử dụng vài ngày tới để xây dựng liên minh rộng rãi nhất có thể để đáp ứng yêu cầu của Ukraine", ông nói.
Ông cho hay, ngoài Pháp, 5 quốc gia khác đã đồng ý gửi huấn luyện viên quân sự đến Ukraine.
Hiện chưa rõ 5 quốc gia này là những quốc gia nào. Trong khi đó, người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby khẳng định Mỹ sẽ không đưa huấn luyện viên quân sự đến Ukraine, song đánh giá cao sự ủng hộ của Pháp dành cho Kiev.
Ông Macron nhấn mạnh, đề nghị của Kiev về việc phương Tây gửi huấn luyện viên quân sự đến hỗ trợ là hoàn toàn chính đáng.
"Việc tiến hành huấn luyện trên lãnh thổ Ukraine sẽ hiệu quả hơn nhiều. Đây là một yêu cầu chính đáng. Huấn luyện binh sĩ Ukraine trên đất Ukraine có phải một sự leo thang hay không? Không. Chúng tôi không nói đến việc triển khai quân đội châu Âu ở tiền tuyến", ông Macron nói.
Nhà lãnh đạo Pháp nhấn mạnh: "Chúng tôi không có chiến tranh với Nga và chúng tôi không muốn leo thang, nhưng chúng tôi muốn làm mọi thứ có thể để hỗ trợ Ukraine trong cuộc đấu tranh hiện nay. Vì vậy, khi Ukraine yêu cầu chúng tôi huấn luyện quân đội huy động trên lãnh thổ chủ quyền của mình, đây không phải sự leo thang".
Trước đó, hôm 6/6, trả lời phỏng vấn truyền thông, ông cho biết, Pháp có kế hoạch huấn luyện và trang bị vũ khí cho khoảng 4.500 lính Ukraine. Ông tiết lộ, Pháp sẽ cung cấp các máy bay chiến đấu Mirage 2000-5 cho Ukraine và hỗ trợ huấn luyện cho phi công của nước này.
Tổng thống Macron hôm qua cũng xác nhận ông sẽ dự hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine do Thụy Sĩ tổ chức vào giữa tháng này
Pháp là một trong những quốc gia ủng hộ Ukraine mạnh mẽ nhất kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở nước láng giềng hồi tháng 2/2022.
Ban đầu, chính quyền Tổng thống Macron duy trì cách tiếp cận tương đối thận trọng đối với cuộc xung đột Nga - Ukraine do lo ngại căng thẳng leo thang. Tuy nhiên, gần đây, cách tiếp cận này có xu hướng nới lỏng hơn gần đây.
Hồi đầu năm, ông Macron tuyên bố, Pháp không loại trừ khả năng đưa quân đến hỗ trợ nếu Ukraine vỡ phòng tuyến và đề nghị giúp đỡ.
Mới đây, ông cũng kêu gọi các đồng minh, đối tác phương Tây cho phép Kiev sử dụng vũ khí viện trợ để tấn công những mục tiêu quân sự trong lãnh thổ Nga. Đến nay, hơn 10 quốc gia, trong đó có Mỹ, đã đồng ý cho Kiev tập kích vào đất Nga dù vẫn có những điều khoản hạn chế nhất định.
Theo Bloomberg, Pravda
Nguồn: Báo điện tử Dân trí