Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng và cải tạo bất hợp pháp. (Ảnh: Reuters)
Việc Trung Quốc cải tạo bãi đá ngầm và bãi cạn ở Biển Đông đã vấp phải những phản ứng tiêu cực từ cộng đồng quốc tế. VietnamPlus xin giới thiệu bài viết của Tiến sỹ Vijay Sakhuja, đăng trên trang mạng của Viện Nghiên cứu Chính sách Công CPR.
Các hoạt động tăng cường năng lực quân sự tại những địa điểm trên đã gây ra nhiều lo ngại về an ninh. Phản ứng về động thái trên tăng dần từ “gọi tên và lên án” (Chính quyền Barack Obama) tới “bác bỏ mọi yêu sách hàng hải của Trung Quốc” (Chính quyền Donald Trump), bao gồm “bắt nạt để kiểm soát."
Đại diện cấp cao của EU phụ trách chính sách đối ngoại Federica Mogherini cũng đã bày tỏ quan ngại về “gia tăng căng thẳng” trên Biển Đông, khẳng định “chắc chắn quân sự hóa không phù hợp với môi trường hoà bình."
Hơn nữa, các yêu sách bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc, đặc biệt là quyền lịch sử đối với hầu như toàn bộ Biển Đông (đường chín đoạn) đã bị cho là không có cơ sở pháp lý theo Tòa án Quốc tế về Luật biển (ITLOS) trong vụ Tòa trọng tài Quốc tế về Biển Đông (Cộng hoà Philippines kiện Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Trung Hoa).
Sự ra đời của các liên minh và quan hệ đối tác mới
Sự ngoan cố của Trung Quốc và thái độ coi thường phán quyết được đưa ra theo UNCLOS 1982 đã tạo điều kiện cho sự ra đời của các liên minh và quan hệ đối tác giữa các nước cùng chung quan điểm nhằm chống lại sự chiếm đóng, quân sự hóa, vũ khí hóa trái phép của Trung Quốc đối với các đảo, đá ngầm tại Biển Đông.
Các nước này đã tiến hành những cuộc diễn tập hải quân trong và xung quanh Biển Đông nhằm đảm bảo tự do hàng hải, tôn trọng luật pháp quốc tế, đảm bảo an ninh, an toàn cho di chuyển và lưu thông hàng hóa quốc tế.
Bên cạnh các lực lượng hải quân thuộc Đối tác An ninh Tứ giác (QSD) hay Nhóm Tứ giác (QUAD) như Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ, các nhóm mới liên tiếp đã ra đời với nhiệm vụ đảm bảo quyền tiếp cận không bị cản trở tại các vùng biển và đại dương, đảm bảo tự do hàng hải theo UNCLOS 1982.
Australia, Ấn Độ và Indonesia đã quyết định tổ chức đối thoại 2+2, bao gồm hội nghị các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng. Quan chức của một trong số những nước trên đã tuyên bố “Đây là một một mối quan hệ ba bên với tốc độ phát triển nhanh chóng. Các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao dự kiến sẽ gặp gỡ trong vài tháng tới. Cả ba nước đều có lợi ích chung trong một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng mở và bao trùm."
Một quan hệ hợp tác ba bên tương tự cũng ra đời, bao gồm Australia, Ấn Độ và Pháp. Ba nước này đã quyết định hợp tác và tổ chức cuộc họp trực tuyến đầu tiên vào tháng 9/2020.
Theo bản tin của Văn phòng Ngoại giao Ấn Độ, “cuộc họp có một định hướng rõ ràng về kết quả và đã được tổ chức với mục tiêu xây dựng những quan hệ song phương bền chặt, từ đó ba nước chia sẻ và cùng hợp sức để đảm bảo một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hòa bình, an ninh, thịnh vượng và dựa trên luật lệ."
Trước đây, hầu hết các hoạt động hải quân trên Biển Đông đều nằm trong sự chi phối của các cường quốc châu Á-Thái Bình Dương; sự tham gia của lực lượng hải quân châu Âu tại khu vực mà đang trực tiếp thách thức yêu sách bành trướng của Trung Quốc và ủng hộ quyền tự do hàng hải trên biển đang gây lo ngại cho Bắc Kinh.
Liên minh Năm Mắt (Five Eyes)
Các hoạt động cải tạo/quân sự hóa của Trung Quốc tại Biển Đông đã không được mạng lưới chia sẻ thông tin tình báo Five Eyes (Australia, Anh, Canada, New Zealand, Mỹ), được thành lập sau Thế chiến thứ hai, chú ý tới.
Theo Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu của Australia tại Đại học Nghiên cứu Quốc tế Bắc Kinh: “Không có gì đáng ngạc nhiên nếu Five Eyes hợp tác cùng 'chống lại Trung Quốc'."
Tương tự, Georgina Downer, phụ trách bộ phận tư vấn chiến lược và địa chính trị thuộc Tenjin Consulting, khẳng định “sự thay đổi nhanh chóng trong chính sách của Anh về 5G và thỏa thuận giữa Five Eyes để thành lập D10 gồm những nước dân chủ và chung chí hướng để hợp tác trên lĩnh vực công nghệ 5G là một điển hình khác về việc chính sách ngoại giao hiếu chiến của Trung Quốc đã nhanh chóng hội tụ quan điểm chiến lược của các nước Five Eyes về đầu tư của Trung Quốc vào các cơ sở hạ tầng quan trọng."
Môi trường và sinh thái
Có lẽ tính đến giờ cáo buộc nghiêm trọng nhất về Trung Quốc là phán quyết của Tòa án Quốc tế về Luật biển (ITLOS) trong vụ tòa trọng tài Biển Đông (Cộng hòa Philippines kiện Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Trung Hoa). Tòa không chỉ bác bỏ các quyền lịch sử của Trung Quốc đối với hầu như toàn bộ khu vực Biển Đông, mà còn cho rằng Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế bằng cách gây ra “tác hại không thể khắc phục” đối với môi trường biển, gây nguy hiểm cho các tàu của Philippines, và can thiệp vào hoạt động đánh bắt cá cũng như khai thác dầu khí của Philippines.
Các biện pháp trừng phạt đối với các công ty Trung Quốc có liên quan đến việc cải tạo Biển Đông
Mỹ đã trừng phạt 24 công ty Trung Quốc bao gồm Công ty Xây dựng Truyền thông Trung Quốc (CCCC) thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc, Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc (CETGC); hạn chế thị thực đối với các cá nhân, doanh nghiệp Trung Quốc “chịu trách nhiệm hoặc có liên quan đến việc cải tạo quy mô lớn, xây dựng hoặc quân sự hóa các tiền đồn đang tranh chấp ở Biển Đông, hoặc việc sử dụng biện pháp cưỡng chế (của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Trung Hoa) đối với các nước Đông Nam Á tham gia tranh chấp nhằm ngăn cản những nước này tiếp cận nguồn tài nguyên ngoài khơi."
Hoạt động bồi lấp, xây dựng đảo trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông. (Nguồn: Reuters)
Hơn nữa, các công ty này bị cáo buộc vi phạm “quyền tự do trên biển... mà phù hợp với luật pháp quốc tế." CCCC và các công ty con đang nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ, do đó phải chịu “các hạn chế về xuất khẩu, tái xuất khẩu hoặc chuyển giao không chỉ đối với thiết bị và hàng hóa, mà còn đối với phần mềm và công nghệ, cũng như bất kỳ ứng dụng công nghệ nào có đối tượng là CCCC hoặc là công ty con."
Theo một quan chức cấp cao thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, Mỹ có “nhiều mục tiêu khác nhau, tất nhiên bao gồm việc trừng phạt nhưng tác nhân xấu và khuyến khích tất cả đảng, tổ chức, chính phủ trên toàn cầu đánh giá rủi ro, xem xét lại các giao dịch kinh doanh với các doanh nghiệp 'săn mồi' thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc mà chúng tôi xác định tại đây."
Cần lưu ý rằng CCCC và CETGC có quan hệ mật thiết với Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Nếu lấy các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran làm thước đo, thì việc đưa các công ty Trung Quốc và danh sách trừng phạt chắc chắn sẽ tác động tới những bên hưởng lợi từ BRI./.
Nguồn: vietnamplus.vn