Hành lang NSTC (màu đó) rút ngắn đáng kể thời gian, chi phí vận tải hàng hóa từ Ấn Độ sang châu Âu so với hành trình như hiện nay (màu xanh). Ảnh: Parstoday
Trong bối cảnh giao thông quốc tế qua kênh đào Suez bị tê liệt sau sự cố siêu tàu chở hàng Ever Given mắc kẹt, Iran muốn chứng minh rằng nước này hoàn toàn có thể đóng vai trò thay thế trong kết nối giao thương giữa châu Á và châu Âu.
Kênh Press TV (Iran) ngày 27/3 dẫn lời một quan chức ngoại giao nước này cho biết, Hành lang vận tải quốc tế Bắc-Nam (INSTC) có thể sẽ là một giải pháp thay thế hiệu quả so với tuyến kênh đào Suez.
Theo Kazem Jalali, Đại sứ Iran tại Moskva, hàng hóa từ châu Á có thể sang châu Âu qua cửa ngõ Iran trong thời gian 20 ngày và chi phí có thể sẽ giảm. Vì thế, INSTC sẽ là lựa chọn vượt trội để thế chỗ kênh đào Suez trên khía cạnh trung chuyển hàng hóa.
Iran cùng với Ấn Độ và Nga đang thúc đẩy sáng kiến hành lang vận tải đa hình thức, giúp rút ngắn thời gian và giảm chi phi chuyên chở hàng từ Ấn Độ sang châu Âu - Press TV đưa tin. Ý tưởng về INSTC dài 7.200 km từng được Nga, Ấn Độ, Iran khởi xướng lần đầu tiên vào năm 2000, sau đó là sự tham gia của 10 nước Trung Á.
INSTC hướng đến một mạng lưới đường bộ, đường sắt và đường biển chuyên dùng cho vận tải hàng hóa, giúp cắt giảm từ 30-60% chi phí vận chuyển, rút ngắn hành trình từ 40 ngày xuống còn 20 ngày.
Cảng Chabahar của Iran được cho là sẽ đóng vai trò thiết yếu trong việc giảm phụ thuộc vào kênh đào Suez đối với vận tải hàng hóa sang châu Âu. Theo thỏa thuận ba bên Nga-Ấn Độ-Iran ký năm 2017, Ấn Độ đồng ý chi 21 tỉ USD cho tuyến hành lang nối từ cảng Chabahar tới Hajigak ở miền trung Afghanistan.
Hoài Thanh
Nguồn: baotintuc.vn