Theo Worldofmeter, tính tới hiện tại, Mỹ ghi nhận hơn 8,2 triệu ca nhiễm SARS-CoV-2 và tiếp tục là ổ dịch lớn nhất thế giới. Trong số này có 223.605 người thiệt mạng. Trong 24 giờ qua, Mỹ có thêm 68.095 ca mắc COVID-19 mới.
Trong 1 tuần qua, trung bình mỗi ngày Mỹ ghi nhận hơn 53,000 ca bệnh - con số khiến các chuyên gia cực kỳ quan ngại.
Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm ở Mỹ, cho rằng mức độ này là quá cao trong bối cảnh nước Mỹ sắp bước sang mùa đông. Đây là thời điểm dịch cúm thường hoành hành ở quốc gia này.
Sau Mỹ là Ấn Độ với hơn 7.4 triệu ca nhiễm, trong đó có 113.032 ca tử vong. Mỗi ngày, quốc gia Nam Á ghi nhận 60.000 ca mắc COVID-19 mới, giảm đáng kể so với mức 90.000 ca/ngày cách đây 1 tháng.
Người dân đeo khẩu trang đi lại trên 1 con phố của Đức. (Ảnh: DW)
Trong 24 giờ qua, Brazil - ổ dịch lớn thứ 3 thế giới ghi nhận 30.574 ca nhiễm mới, cao hơn 1.000 ca so với 1 ngày trước. Tổng số ca bệnh tại nước này đã vượt hơn 5,2 triệu ca.
Tại châu Âu, dịch bệnh COVID-19 cũng đang diễn biến phức tạp, nhiều nước phải siết chặt các biện pháp dập dịch.
Nga ghi nhận tới 15.150 trường hợp ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới trong ngày qua - mức cao nhất từ trước tới nay. Con số này nâng tổng số ca bệnh ở Nga vượt mốc 1.369.313.
Giám đốc Cơ quan giám sát, bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng Nga (Rospotrebnadzor) Anna Popova cho rằng sự gia tăng ca bệnh thời gian qua là do gia tăng các nguồn lây nhiễm.
Theo số liệu được cơ quan y tế Pháp công bố, chỉ trong vòng 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 25.086 ca nhiễm mới, mức cao nhất của châu Âu.
Tại Pháp, tình trạng khẩn cấp kéo dài 4 tuần được tái áp dụng từ 14/10. Từ 17/10, lệnh giới nghiêm sẽ có hiệu lực trong và xung quanh Paris, cùng 8 thành phố khác, ảnh hưởng tới khoảng 19 triệu người.
Ở Anh, chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson phải nâng mức báo động đối với London và một số khu vực khác. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, chính phủ Anh ngày mới đây yêu cầu những người đến Anh từ Italy phải thực hiện tự cách ly trong vòng 14 ngày. Quy định sẽ bắt đầu có hiệu lực từ cuối tuần này.
Italy - nơi từng là tâm dịch châu Âu ghi nhận tới hơn 10.000 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua. Italy vẫn đang duy trì tình trạng khẩn cấp quốc gia, cho phép chính quyền từ trung ương tới địa phương có nhiều thẩm quyền hơn trong xử lý đại dịch.
Tại Đức, Chủ tịch Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) Lothar Wieler đề nghị phong tỏa đối với các điểm nóng dịch COVID-19. Đức ghi nhận gần 8.000 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, số ca bệnh cao nhất được ghi nhận trong một ngày kể từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát tại nước này.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh EU, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết các lãnh đạo EU đánh giá tình hình dịch tễ học hiện nay tại châu Âu là chưa từng có, gây quan ngại rất nghiêm trọng và cần sự phối hợp ở cấp độ khu vực.
Lãnh đạo EU từ đó kêu gọi các quốc gia thành viên tiếp tục nỗ lực phối hợp tổng thể dựa trên nền tảng khoa học tốt nhất hiện có, đặc biệt là về các quy định kiểm dịch, truy tìm tiếp xúc xuyên biên giới, chiến lược xét nghiệm, đánh giá các phương pháp thử nghiệm, công nhận kết quả xét nghiệm lẫn nhau và hạn chế tạm thời đối với việc đi lại không cần thiết vào EU.
SONG HY
Nguồn: vtc.vn