B-21 dự kiến sẽ thực hiện chuyến bay thử đầu tiên vào cuối năm 2021. Ảnh: Mike Tsukamoto
Trung Quốc "giật mình" khi Mỹ tăng số lượng máy bay B-21
Trong những ngày qua, có một tin tức quan trọng về chương trình B-21, khi trang web National Interest của Mỹ ngày 16/9 đưa tin, lực lượng Không quân chiến lược Mỹ đang xem xét tăng mua máy bay ném bom B-21 từ 80 lên 100 chiếc so với kế hoạch ban đầu.
Thông tin này có nghĩa là vấn đề chi phí phát triển của chương trình B-21 đã được kiểm soát một cách hiệu quả. Nếu Không quân Mỹ mua tới 180 chiếc B-21, nó sẽ làm chiến lược an ninh toàn cầu thay đổi cơ bản.
Chương trình máy bay ném bom chiến lược của Mỹ luôn làm Trung Quốc "lo ngay ngáy". Ngày 26/2/2016, Không quân Mỹ chính thức công bố thế hệ máy bay ném bom tấn công chiến lược tầm xa (LRS-B) thế hệ mới của Quân đội nước này.
Loại máy bay ném bom tầm xa này được thiết kế bởi công ty Northrop Grumman và mã máy bay dự kiến được đặt tên là B-21 (Máy bay ném bom của thế kỷ 21).
Hình dạng của B-21 không khác nhiều so với góc nhìn ban đầu của B-2, ngoại trừ một số điều chỉnh đã được thực hiện đối với vị trí của khe hút gió của động cơ và đường viền ngoằn ngoèo của B-2 đã bị hủy bỏ.
Ngoài ra "khe hút gió" của động cơ B-21 cong hơn và được gắn vào thân máy bay, xung quanh khe hút gió trông tròn hơn và có góc nhỏ hơn một chút. Điều này có nghĩa là Mỹ đã áp dụng kiểu che giấu tia hồng ngoại phía sau mới.
Chiếc B-21 đầu tiên đang chuẩn bị để cho bay thử vào cuối năm 2021
Mặc dù bề ngoài rất giống nhau, nhưng kích thước và trọng lượng của B-21 chắc chắn nhỏ hơn nhiều. Một bài báo trên tờ Aerospace Technology Weekly của Mỹ vào năm 2015 tiết lộ rằng, B-21 có thể có trọng lượng cất cánh chỉ từ 68 đến 80 tấn và tải trọng từ 5,5 đến 9,1 tấn.
Năm 2019, Tạp chí Không quân của Mỹ đưa tin, máy bay B-21 có trọng tải khoảng 13 tấn và theo cách mô tả thì chiếc B-21 thực sự là máy bay ném bom chiến lược nhỏ nhất của Mỹ, so với máy bay chiến lược B-52 nặng 220 tấn (tối đa 33 tấn vũ khí), B-1B nặng 216 tấn (tải trọng vũ khí tối đa 57 tấn) và B-2 160 tấn (số lượng vũ khí tối đa 18 tấn).
Vì vậy, xét từ nhiều khía cạnh khác nhau, B-21 dường như chỉ là một phiên bản thu gọn của B-2. Ngay cả khi có công nghệ tàng hình tiên tiến nhất, B-21 cũng khó có thể tạo ra đột phá lớn, bởi B-2 đã đạt đến độ tàng hình tối tân.
Nhưng thiết kế nhỏ bé lại là ưu điểm lớn nhất của B-21, bởi vì nhược điểm lớn nhất trong thiết kế của B-2 là nó quá hiện đại trong thiết kế, dẫn đến chi phí cao. Giá thành một chiếc B-2 lên tới 2 tỷ USD, và chi phí bảo dưỡng hàng năm cũng là một con số rất lớn.
Vì vậy vấn đề kinh phí của B-2 cũng đã trở thành một trong những dự án "tốn kém" nhất trong lịch sử phát triển trang bị của Không quân Mỹ. Thảm kịch này tiếp tục lặp lại ở các dự án tàu chiến Zumwalt và máy bay chiến đấu liên quân F-35.
Do đó, dự án B-21 ngay từ đầu đã xiết chặt việc kiểm soát chi phí. Kích thước nhỏ hơn, thiết kế đơn giản hơn và việc sử dụng rộng rãi công nghệ hoàn thiện của B-2 đã cho phép B-21 có giá dưới 600 triệu USD/chiếc. Đây là yếu tố quan trọng giúp Không quân Mỹ có thể mua B-21 với số lượng lớn.
B-21 quan trọng hơn B-2
Tất nhiên, chi phí thấp không có nghĩa là tính năng của B-21 bị đánh giá thấp. Là máy bay ném bom chiến lược thế hệ thiếp theo mà Không quân Mỹ đặt nhiều hy vọng, B-21 có nhiều khả năng mới mà các máy bay ném bom khác không thể có được.
B-21 là phương tiện cốt lõi trong phá thế "chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD)" của Trung Quốc, Iran hoặc Nga trong tương lai. Ưu điểm lớn nhất của nó là khả năng "xuyên thủng" hệ thống phòng không của đối phương, giống như máy bay ném bom tàng hình B-2, mặc dù kích thước nhỏ hơn B-2.
Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của khả năng tiếp nhiên liệu trên không mạnh mẽ của quân đội Mỹ, B-21 cũng có khả năng vươn xa toàn cầu và tấn công nhanh. Tuy sức chứa bom đạn của nó chỉ khoảng 13 tấn, nhưng nó cũng có thể mang vũ khí có trọng lượng lớn; kể cả quả bom lớn nhất trong kho vũ khí của Mỹ, là bom phá hầm ngầm GBU-57.
Lớp sơn tàng hình của B-2 quá mỏng và hiệu quả tàng hình của nó sẽ giảm đáng kể trong điều kiện trời mưa, vì vậy Quân đội Mỹ phải chọn căn cứ cất giữ và huấn luyện của B-2 trong khu vực có khí hậu tương đối khô (Căn cứ không quân Whitman ở bang Missouri).
Không quân Mỹ "thỉnh thoảng" mới đưa B-2 ra nước ngoài khi có chiến tranh hoặc tình hình căng thẳng. Ngoài ra, sau mỗi chuyến bay của B-2, việc bảo dưỡng lớp phủ tàng hình mất rất nhiều công và nó phải được thực hiện trong điều kiện nhiệt độ, độ ẩm ổn định và nhà chứa máy bay sạch sẽ.
Trong tương lai, B-21 có thể sẽ được đóng tại một số lượng lớn các căn cứ quân sự ở nước ngoài. Ảnh: Northrop Grumman
Công việc của những kỹ thuật viên của nhà sản xuất rất nặng nề; khi chuẩn bị cho mỗi chuyến bay, cần phải sử dụng loại băng dính tương ứng có lớp phủ tàng hình để dán các khe hở của các cửa sập khác nhau, công việc này rất rắc rối và ảnh hưởng nghiêm trọng đến tần suất và hiệu quả của B-2.
Với sự tiến bộ của công nghệ, B-21 chắc chắn sẽ chuyển sang các biện pháp kỹ thuật mới và lớp phủ tàng hình mới, để không lặp lại những sai lầm của B-2.
Trong tương lai, B-21 có thể sẽ được đóng tại một số lượng lớn các căn cứ quân sự ở nước ngoài, điều này chắc chắn giúp tăng cường đáng kể tính linh hoạt trong triển khai chiến đấu của nó.
Xét về tổng thể, B-21, có số lượng trang bị lớn và phạm vi triển khai rộng hơn, nó có tất cả các ưu điểm của B-2. Xét về hệ thống điện tử radar đường không và khả năng tác chiến điện tử, B-21 chắc chắn sẽ có nhiều lợi thế hơn, vì là thiết kế sau; về số lượng, chắc chắn B-21 sẽ vượt xa số lượng B-2 hiện nay.
Mối đe dọa lớn với Trung Quốc
Hiện tại, chỉ 10% số máy bay ném bom của Mỹ có thể xuyên thủng hệ thống phòng không tiên tiến của đối phương. Nhưng trong tương lai, 180 chiếc B-21 sẽ dần thay thế số B-1B và B-2 hiện có, tỷ lệ này sẽ tăng lên 2/3, và chắc chắn sẽ mang lại những thay đổi cơ bản cho chiến lược và chiến thuật của Không quân Mỹ trong tương lai.
Quân đội Mỹ sẽ sử dụng B-21 làm loại máy bay ném bom nòng cốt trong tương lai. Đi cùng với đó là một hệ thống bảo đảm khổng lồ bao gồm máy bay cảnh báo sớm, máy bay tiếp dầu trên không, máy bay chiến đấu, máy bay không người lái tầm xa, tên lửa hành trình/đạn đạo phóng từ trên không và lực lượng đặc nhiệm trên bộ, tạo thành cái gọi là "Hệ thống tấn công tầm xa thế hệ tiếp theo". Điều này đã gây áp lực chiến lược to lớn đối với Trung Quốc.
Trịnh Ngọc Tiến
Nguồn: ttvn.toquoc.vn