Theo số liệu cập nhật của trang thống kê Worldometers, với mức tăng kể trên, thế giới đã có tổng cộng gần 40 triệu người nhiễm virus corona và hơn 1,1 triệu ca tử vong tính đến 6h sáng ngày 17/10.
Trong số 214 quốc gia và vùng lãnh thổ có sự hiện diện của Covid-19, Mỹ tiếp tục là nước đối mặt tình trạng lây nhiễm mạnh nhất, có thêm gần 66.000 người dương tính vào tổng thể gần 8,3 triệu bệnh nhân, và thêm 865 nạn nhân vào danh sách 223.581 người tử vong.
Tại New York, một bữa tiệc sinh nhật với chủ đề "Tuổi 16 ngọt ngào" đã biến thành vụ "siêu lây nhiễm" khi hàng chục người tham gia nhận kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona và hàng trăm người phải cách ly. Nơi tổ chức bữa tiệc là nhà hàng Miller Place buộc phải đóng cửa tạm thời và bị phạt 12.000 USD vì vi phạm quy định chống Covid-19.
Ấn Độ hứng chịu ngày chết chóc khi ghi nhận thêm 886 người tử vong, nâng tổng số người thiệt mạng vì Covid-19 ở quốc gia này lên trên 113.000. Số người mang mầm bệnh tăng thêm hơn 65.000 lên mức gần 7,5 triệu.
Dịch bệnh cũng tấn công dữ dội ở Brazil, đưa thêm hơn 29.000 nạn nhân vào danh sách hơn 5,2 triệu người dương tính, và thêm hơn 700 nạn nhân vào tổng thể 153.200 người tử vong.
EU kêu gọi phối hợp tổng thể chống Covid-19
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết, các lãnh đạo EU đánh giá tình hình dịch tễ học hiện nay tại châu lục này là chưa từng có tiền lệ, gây lo ngại nghiêm trọng và cần có sự phối hợp ở cấp độ khu vực.
Tại cuộc họp báo sau khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels (Bỉ), ông Michel cho biết Hội đồng châu Âu đánh giá cao những tiến bộ đạt được về phối hợp tổng thể chống đại dịch ở cấp độ liên minh.
Tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp ở châu Âu. Ảnh: AP
Các nhà lãnh đạo của khối kêu gọi Hội đồng châu Âu, Ủy ban châu Âu cùng các quốc gia thành viên tiếp tục nỗ lực phối hợp tổng thể, dựa trên nền tảng khoa học tốt nhất hiện có, đặc biệt là về các quy định kiểm dịch, truy vết tiếp xúc xuyên biên giới, chiến lược xét nghiệm, đánh giá các phương pháp thử nghiệm, công nhận kết quả xét nghiệm lẫn nhau và hạn chế tạm thời đối với việc đi lại không cần thiết vào EU.
Hội đồng châu Âu hoan nghênh các nỗ lực ở cấp EU về phát triển và phân phối vắc-xin ngừa Covid-19, tái khẳng định sự cần thiết phải có một quy trình cấp phép và giám sát chặt chẽ, củng cố năng lực tiêm chủng trên toàn EU và tiếp cận vắc-xin một cách công bằng, hợp lý.
Nhiều quan chức châu Âu tự cách ly
Đến nay, nhiều quan chức cấp cao châu Âu đã phải tự cách ly vì Covid-19. Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin thông báo bà quyết định rời Hội nghị thượng đỉnh EU để tự cách ly, sau khi dự họp trong tuần với một nghị sĩ Phần Lan mới đây có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona.
Thủ tướng Ba Lan cũng không dự hội nghị EU vì đang tự cách ly, còn Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cũng rời khỏi cuộc họp ngay sau khi khai mạc ngày 15/10. Lý do là một nhân viên của bà có kết quả xét nghiệm dương tính với virus.
Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Bỉ Sophie Wilmes thông báo sẽ thực hiện cách ly do có những triệu chứng mắc Covid-19. Thông báo này được đưa ra 4 ngày sau khi bà Wilmes tham dự cuộc thảo luận trực tiếp giữa ngoại trưởng các nước EU ở Luxembourg.
Thụy Sĩ đặt mua trước 5,3 triệu liều vắc-xin Covid-19
Chính phủ Thụy Sĩ đã ký thỏa thuận với công ty dược phẩm AstraZeneca của Anh và Thụy Điển (có trụ sở chính tại Cambridge) để đặt mua trước 5,3 triệu liều vắc-xin Covid- 19 đang được phát triển.
Hợp đồng trên dựa theo thỏa thuận giữa Ủy ban châu Âu và AstraZeneca về việc cung cấp tới 400 triệu liều vắc-xin cho châu Âu.
Thụy Sĩ muốn đảm bảo người dân của mình tiếp cận nhanh chóng với vắc-xin Covid-199 nhưng do vẫn chưa rõ loại vắc-xin nào rốt cuộc sẽ hiệu quả nhất nên quyết định chọn cách tiếp cận đa dạng. Trước đó, Thụy Sĩ cũng đã ký thỏa thuận với công ty công nghệ sinh học Moderna của Mỹ để đảm bảo quyền tiếp cận sớm 4,5 triệu liều vắc-xin Covid-19 của hãng này.
Nguồn: Vietnamnet.vn