Kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 sẽ là một trong những điều khó đoán định nhất. Ảnh: Văn Thắng/AFP
Theo Reuters, đại dịch COVID-19, số lượng phiếu bầu được bỏ sớm chưa từng có và sự thiếu nhất quán về cách thức kiểm đếm các phiếu bầu cùng các cuộc chiến pháp lý đang diễn ra khiến cho kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 trở thành một trong những điều khó đoán định nhất.
Tuy nhiên, theo quy định, cuộc bầu cử Mỹ 2020 sẽ phải tuân theo một số mốc thời gian nhất định.
Ngày 3.11:
17h, Edison Research sẽ công bố kết quả sơ bộ từ các cuộc thăm dò ý kiến sau bỏ phiếu ở từng tiểu bang sau khi cuộc bỏ phiếu kết thúc.
Một số điểm bỏ phiếu đầu tiên ở nước Mỹ đóng cửa vào lúc 18h. Các điểm bỏ phiếu tại các bang toàn nước Mỹ sẽ lần lượt đóng cửa cho đến điểm cuối cùng tại Alaska kết thúc vào lúc 1h sáng (giờ miền đông).
Ngày 8.12:
Các tiểu bang có thời hạn đến ngày 8.12, còn gọi là thời hạn ''bến cảng an toàn'' theo luật liên bang, để giải quyết mọi tranh chấp về tổng số phiếu bầu và công nhận người chiến thắng. Nếu đến thời điểm này tiểu bang không hoàn thành việc kiểm phiếu, Quốc hội sẽ không còn phải chấp nhận kết quả của tiểu bang này theo hệ thống Cử tri đoàn.
Ngày 14.12:
Thành viên cử tri đoàn bỏ phiếu bầu Tổng thống. Ứng viên nào nhận được đa số trong 538 phiếu đại cử tri hiện có hoặc 270 phiếu sẽ đắc cử Tổng thống.
Ở tất cả các bang, trừ 2 bang Maine và Nebraska, người chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu phổ thông của bang sẽ giành được tất cả phiếu đại cử tri của bang đó, phân bổ theo dân số. Riêng tại Maine và Nebraska, người chiến thắng phiếu phổ thông trên toàn tiểu bang được trao 2 phiếu đại cử tri, số phiếu đại cử tri còn lại được phân bổ cho người chiến thắng phiếu phổ thông ở mỗi khu vực quốc hội của bang.
Ngày 6.1.2021:
Quốc hội họp lúc 13h (theo giờ miền đông) tại Washington D.C để kiểm phiếu đại cử tri và tuyên bố người chiến thắng.
Ngày 20.1.2021:
Ngày nhậm chức Tổng thống là vào ngày 20.1. Người chiến thắng và người đồng hành tranh cử của họ sẽ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống và phó Tổng thống tại điện Capitol ở Washington D.C.
Nguồn: Lao động