Giám đốc tài chính của Công ty công nghệ Huawei Mạnh Vãn Chu rời nhà đi dự phiên tòa ở Vancouver, British Columbia, Canada ngày 26-10 - Ảnh: REUTERS
Theo Reuters, phán quyết được công bố vào ngày 29-10, tuy nhiên thẩm phán phiên tòa cũng đồng tình với Bộ Tư pháp Canada và cho rằng những lập luận của phía bà Mạnh đưa ra không đủ mạnh, để yêu cầu dẫn độ có thể bãi bỏ ngay lập tức.
Chứng lý được ra trong vòng một tuần trong phiên xử tại Tòa án Tối cao British Columbia.
Phía bà Mạnh cho rằng Mỹ đã ngụy tạo chứng cớ, nhằm làm cho mọi thứ có vẻ giống thật, về cáo buộc gian lận trong yêu cầu chính thức của họ với Canada để dẫn độ mình.
Thẩm phán Heather Holmes cho phép bà Mạnh được đưa ra các bằng chứng bổ sung trong hồ sơ vụ án, "ở một mức độ hạn chế." Theo đó, "một số bằng chứng trên thực tế là có khả năng thay đổi hiện trạng của yêu cầu dẫn độ của Mỹ, bà Holmes nói.
Theo Reuters, phía Bộ Tư pháp Canada cho biết cơ quan này tôn trọng quyết định của bà Holmes trong khi phía Huawei Canada gọi quyết định này là một chiến thắng quan trọng.
Canada đã bắt bà Mạnh theo yêu cầu của Mỹ hồi đầu tháng 12-2018. Bà được bảo lãnh tại ngoại nhưng phải đeo vòng theo dõi điện tử và sống tại nhà riêng ở Vancouver để chờ phiên tòa diễn ra.
Để được tự do, bà Mạnh và các luật sư của bà phải thuyết phục được thẩm phán rằng các cáo buộc của Mỹ nhằm vào bà là không phù hợp với luật pháp Canada và có động cơ chính trị.
Huawei khẳng định tập đoàn này sẽ sát cánh với bà Mạnh trong việc theo đuổi công lý và tự do. "Chúng tôi tin tưởng vào hệ thống tư pháp của Canada, điều này sẽ chứng minh sự vô tội của bà Mạnh Vãn Chu".
Trước đó, Mỹ cáo buộc bà Mạnh có hành vi lừa dối ngân hàng HSBC về mối quan hệ giữa Huawei và chi nhánh tên Skycom tại Iran, đẩy HSBC vào nguy cơ vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran.
Việc bắt giữ bà Mạnh đã đẩy Canada vào tình thế khó khăn khi bị kẹp giữa hai cường quốc là Mỹ và Trung Quốc.
Một bài trình bày của bà Mạnh với Ngân hàng HSBC tại Hong Kong năm 2013 cho thấy quan hệ của Huawei, tập đoàn viễn thông hàng đầu tại Trung Quốc, với công ty Skycom Tech Co Ltd - một tập đoàn hoạt động ở Iran. Đây là bằng chứng quan trọng mà phía Mỹ dùng để chống lại bà Mạnh.
Thẩm phán Holmes đồng ý rằng yêu cầu dẫn độ của Mỹ nên bao gồm một số tuyên bố nhất định từ bài trình bày để tăng thêm "độ chính xác" về những phát ngôn của bà về quan hệ kinh doanh của Huawei với Skycom ở Iran.
Mặc vậy, thẩm phán cho rằng các lập luận của phía bà Mạnh không đủ mạnh để đảm bảo hủy bỏ vụ án ngay lập tức. Tuy nhiên, họ có khả năng làm điều này khi xem xét tổng hợp tất cả các cáo buộc về việc bà Mạnh đã lạm dụng quy trình.
Một chuyên gia về pháp lý không liên quan đến vụ kiện nhận định kết quả phiên tòa có lợi cho bà Mạnh và xác nhận thẩm phán Holmes là người rất thận trọng. Như vậy, trong khi chờ các phiên xử tiếp theo, tình trạng bị quản thúc của bà Mạnh vẫn không thay đổi.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online