Tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga - Ảnh: AFP
Báo Yomiuri thân chính phủ Nhật Bản ngày 5-10 đưa tin kể từ tháng 4-2021, Nhật Bản sẽ siết chặt quá trình xem xét trong việc cấp thị thực (visa), đặc biệt với các sinh viên và nhà nghiên cứu Trung Quốc giữa nỗi lo ngày một tăng về gián điệp và can thiệp từ bên ngoài.
Tờ báo này cho biết Tokyo xem động thái trên là cần thiết, lo sợ công nghệ nhạy cảm và tin tình báo an ninh của Nhật Bản bị rò rỉ sang Trung Quốc hoặc các quốc gia khác thông qua những người đã được nhập cảnh vào Nhật Bản dưới diện sinh viên hoặc người nghiên cứu học thuật.
Báo Yomiuri không dẫn lại nguồn tin tiết lộ thông tin trên. Tuy nhiên, nếu quả thật Nhật Bản chính thức thông báo siết chặt thị thực như vậy, nước này sẽ nối gót Mỹ - đồng minh an ninh của họ - cũng như Úc trong việc nâng cao cảnh giác chống lại sự can thiệp từ Trung Quốc.
Báo Yomiuri dẫn đánh giá của một chuyên gia về chính sách an ninh kinh tế: "Các sinh viên Trung Quốc bị Mỹ từ chối có thể thay đổi mục tiêu của họ và sẽ chuyển sang Nhật Bản".
Hồi tháng 9, Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận đã thu hồi hơn 1.000 thị thực cấp cho các công dân Trung Quốc. Đây là một phần trong quyết định của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm cấm nhập cảnh đối với sinh viên và nhà nghiên cứu Trung Quốc được cho là có mối quan hệ với quân đội Trung Quốc.
Theo báo Straits Times, cả Úc và Mỹ đều cáo buộc Bắc Kinh tổ chức chiến dịch có hệ thống và có chiến lược nhằm đánh cắp công nghệ và tin tình báo thông qua triển khai sinh viên và nhà nghiên cứu đến nước của họ.
Mỹ và Úc, cùng với Nhật Bản và Ấn Độ hình thành nên "bộ tứ kim cương" đang dẫn dắt tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Thông tin trên của Yomiuri được tiết lộ trong bối cảnh các ngoại trưởng 4 nước này dự kiến có cuộc họp ở Tokyo ngày 6-10.
Nhật phản đối Trung Quốc lập trang web về Senkaku/Điếu Ngư
Hôm 5-10, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Katsunobu Kato cho biết Tokyo đã gửi phản đối chính thức tới Bắc Kinh về việc Trung Quốc mở một trang web nêu các chi tiết về yêu sách của Trung Quốc với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư - hiện tranh chấp giữa hai nước nhưng do phía Nhật Bản quản lý.
Trang web này do Trung tâm dữ liệu và thông tin hải dương Trung Quốc vận hành, hoạt động từ hôm 3-10, cho người dùng mạng khám phá một bảo tàng ảo có tên gọi: "Quần đảo Điếu Ngư: Lãnh thổ vốn có của Trung Quốc".
Trang web này tuyên bố Nhật Bản đã "đánh cắp" quần đảo Senkaku/Điếu Ngư từ thời Cải cách Minh Trị năm 1872, kèm theo là các tài liệu lịch sử và bản đồ. Tuy nhiên, Nhật Bản nói Trung Quốc "không có tư cách" lập trang web này và yêu cầu đóng trang web.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online