Tổng thống Putin cho rằng thật tốt cho châu Âu khi có một "bà cô" nghiêm khắc nhưng tốt bụng, có thể yêu cầu giúp đỡ là CH Liên bang Đức.
Ngày 29/10, trả lời câu hỏi về các phương pháp của chính sách tiền tệ ở Liên bang Nga tại diễn đàn "Nước Nga kêu gọi!", Tổng thống Nga Vladimir Putin đã làm phép so sánh giữa Nga và châu Âu, trong đó có đề cập đến vai trò của CH Liên bang Đức đối với châu Âu.
Cụ thể, theo ông Putin, Nga, khác với châu Âu, không có ai dang rộng tay ra để giúp đỡ nếu ngân sách không thể thực hiện các nghĩa vụ xã hội của mình.
Tổng thống Putin ví Đức như bà cô nghiêm khắc nhưng tốt bụng của châu Âu
"Nếu lạm phát tăng, thì giá cả tăng, nhưng mà cần phải đảm bảo các nghĩa vụ xã hội của nhà nước. Điều này có nghĩa là thâm hụt ngân sách sẽ tiếp tục tăng. Thật tốt khi ở châu Âu có "bà cô" nghiêm khắc nhưng vẫn là một người tốt bụng, có thể yêu cầu giúp đỡ, các bạn biết ý tôi nói đến ai - Cộng hòa Liên bang Đức. Chúng ta không có ai để đến với bàn tay dang rộng. Đây chính là sự khác biệt", Tổng thống Putin nói.
Nhà lãnh đạo Nga lưu ý:
"Chúng ta không có ai để đi đến với tay dang rộng, vì vậy chúng ta phải tuân thủ các quy tắc cho phép chúng ta duy trì tình hình kinh tế vĩ mô lành mạnh của đất nước trong những năm trước và chính xác là để đảm bảo niềm tin của các đối tác của chúng ta, bao gồm cả các nhà đầu tư tư nhân - hiện nay và trong tương lai - để duy trì niềm tin trong họ vào những nền tảng cơ bản của sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế Nga", nhà lãnh đạo Nga lưu ý.
“Dựa trên điều này, chúng ta sẽ hành động, chúng ta sẽ xây dựng chính sách của mình trong lĩnh vực này”, ông Putin đảm bảo.
Dù mục tiêu phần phát biểu của Tổng thống Nga không phải là nước Đức nhưng qua đây phần nào cũng thấy được sự đánh giá cao của người đứng đầu nước Nga đối với Đức và vai trò của quốc gia này đối với châu Âu.
Với tư cách là một cường quốc kinh tế lớn nhất trong khối, Đức được các nước kỳ vọng sẽ thể hiện bản lĩnh, chèo lái con thuyền châu Âu vượt qua sóng gió và giúp châu Âu mạnh mẽ trở lại.
Một trong những thách thức hiện nay đối với Đức - quốc gia đang ngồi ghế nóng Chủ tịch EU, là duy trì sự ổn định trong mối quan hệ Mỹ-EU khi mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương này vẫn là trụ cột chính và xuyên suốt trong chính sách đối ngoại, an ninh của khối.
Cùng với đó là phải làm tốt vai trò trò cầu nối cải thiện quan hệ giữa Nga-EU bởi như Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nhiều lần chỉ ra, EU cần nỗ lực vì một mối quan hệ tốt đẹp với Nga vì nhiều lý do, bao gồm sự gần gũi về địa lý, những thách thức toàn cầu mà hai bên cùng quan tâm và quan hệ kinh tế.
Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) có thể coi là là biểu trưng cho nỗ lực cải thiện quan hệ giữa Đức và Nga. Dự án này có khả năng vận chuyển 55 tỷ m3 khí đốt từ Nga sang Đức và Tây Âu, giúp giảm phụ thuộc vào các tuyến đường trung chuyển qua Ukraine.
Dù Đức và các quốc gia khác coi đây là một dự án thương mại nhưng Mỹ lại cho rằng dự án là một công cụ chính trị, làm tăng ảnh hưởng của Nga ở châu Âu, từ đó áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các công ty liên quan đến Dòng chảy phương Bắc 2, mà ở đó các công ty Đức chịu thiệt thòi nhiều nhất.
Chính việc Mỹ liên tục gây sức ép với Dòng chảy phương Bắc 2 đã khiến mối quan hệ giữa Berlin và Washington vốn không hề yên ả càng trở trở nên căng thẳng.
An Nhiên
Nguồn: baodatviet.vn